Chính trị - Xã hộiThời sự

Vụ nguyên Bộ trưởng Công thương: Phải khởi tố, điều tra để làm rõ trách nhiệm

“Phải khởi tố điều tra mới có có cơ sở pháp luật, còn dừng ở những vấn đề chung thì tôi nghĩ tôi không hài lòng”.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim – Uỷ viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang phòng họp Quốc hội ngày 25/10.

Trong kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu rõ, nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng có biểu hiện vụ lợi trong việc để con trai làm lãnh đạo Sabeco, tự ý xây dựng quy hoạch Thứ trưởng với Trịnh Xuân Thanh… Nhiều ý kiến cho rằng những vi phạm đó cũng là những dấu hiệu liên quan các quy định tại Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, cơ quan công an có nên có khởi tố để làm rõ những vấn đề đã được nêu ở kết luận hay không, thưa ông?

Tôi nghĩ phải làm cụ thể chứ không nên dừng ở kết luận chung vì liên quan đến vi phạm các quy định nhà nước, đặc biệt là động chạm quy định của Bộ luật hình sự và xâm phạm đến lợi ích chung, nhiều hay ít cần phải tính.

Vâỵ có cơ sở khởi tố hay không, thưa ông?

Phải khởi tố, điều tra mới có có cơ sở pháp luật xem xét cụ thể trách nhiệm còn nếu chỉ dừng ở những vấn đề chung, tôi cũng không hài lòng.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra nêu mức độ vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng là rất nghiêm trọng, như có biểu hiện vụ lợi, gây hậu quả nghiêm trọng , nhưng xử lý lại ở mức độ cảnh cáo, dư luận cho rằng với người về hưu thì hình thức kỷ luật này không có nhiều ý nghĩa, ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Cảnh cáo là hình thức chưa đảm bảo cho sự răn đe và cần làm rõ những dấu hiệu như đã nêu tại kết luận, như thế thì mới mong rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lợi dụng chức quyền đi đến nơi đến chốn. Như thế mới giải quyết rốt ráo.

Nếu cơ quan kiểm tra cao nhất của Đảng đã kết luận việc nguyên Bộ trưởng bổ nhiệm con trai vào các chức vụ là vụ lợi, việc tự ý quy hoạch cán bộ cấp Thứ trưởng là sai thì vấn đề giải quyết hệ quả đặt ra thế nào, có nên thu hồi quyết định bổ nhiệm như vậy không?

Tôi không nói cụ thể được về biện pháp vì xử lý hành chính hay áp dụng những bắt buộc của pháp luật, chỉ nhấn mạnh tinh thần, việc này phải làm kỹ, làm đến nơi đến chốn.

 Dư luận xôn xao về công tác bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công thương đã khá lâu, nhưng giờ mới sáng tỏ thì hệ quả xảy ra, theo ông như thế có quá muộn?

Thường là thời gian sẽ cho mình biết nhiều điều, là cán bộ đó như thế nào, vì có những cái, tôi dùng chữ khéo léo, thậm chí là tinh vi che đậy. Mọi người đều biết cả nhưng đáng ra cần phải kịp thời hơn.

 Khi Ủy ban Kiểm tra ban hành kết luận về việc của ông Vũ Huy Hoàng thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng hoàn thành bản báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, có đề cập việc cơ chế kiểm soát quyền lực lỏng lẻo hiện nay dẫn đến tham nhũng. Trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, như nhiều người nhận xét, là một điển hình cho thấy việc kiểm soát quyền lực chưa tốt. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi nghĩ là xã hội đều biết việc đề bạt, cất nhắc, bố trí cán bộ như thế. Những việc như vậy rõ ràng không thể là vô tư, trong sáng được. Chính vì thế nên việc này cần xem xét làm rõ trách nhiệm. Còn đúng là thực tế cơ chế kiểm soát quyền lực chưa tốt và giờ chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiếm soát quyền lực rõ hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn thì mới trách được sự lạm quyền.

Công tác ở Uỷ ban mặt trận Tổ quốc đã lâu, kỳ nào cũng nghe những kiến nghị của cử tri về việc phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả. Ủy ban Tư pháp cũng đề cập hiện trạng: có hiện tượng lợi dụng bổ nhiệm người nhà. Ông bình luận thế nào việc này?

Nhận định này mặt trận đã phản ánh ý kiến người dân. Chỗ này chỗ kia người dân bức xúc đòi hỏi phải giải quyết tới nơi tới chốn, không làm nửa vời. Cần cố gắng phát hiện không để tái diễn, trở thành xu hướng chung của xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

MẠNH NGUYỄN/Bizlive

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close