CEO Thế giớiNhân vật

10 bí quyết giúp Steve Jobs biến Apple thành vĩ đại

Đã 5 năm kể từ khi Steve Jobs qua đời nhưng những sản phẩm ông để lại vẫn không ngừng làm thay đổi thế giới và là tấm gương cho tất cả những vị lãnh đạo khác học tập theo. Apple của Steve Jobs không chỉ là một công ty lớn mà còn là một công ty vĩ đại. Vậy bí quyết nào đã giúp Steve Jobs thành công?

Seve Jobs (1955 – 2011), nhà sáng lập của Apple và Pixar, là một vị lãnh đạo mang tính biểu tượng. Ông cũng chính là người đã tạo ra những chiếc máy tính Macintosh cách mạng, những chiếc máy nghe nhạc và điện thoại di động làm thay đổi khái niệm của chúng ta về hai sản phẩm này. Khi bước chân vào lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình, ông cũng đã làm nên những đột phá với Toy Story, một bộ phim chất lượng cao mà sau đó đã khiến Disney tìm mọi cách mua lại xưởng phim Pixar. Tác phẩm cuối cùng được Steve Jobs tạo ra trước khi qua đời chính là iPad, một chiếc máy tính bảng có khả năng thay thế PC. Ước muốn của Jobs lúc đó là tạo ra một công cụ mạnh mẽ, có khả năng xử lý mọi thông tin trên thế giới nhưng chỉ nằm gọn trong một chiếc màn hình bé nhỏ.

Những sáng tạo của ông đã làm thay đổi ngành bán lẻ và truyền thông. Dù một bộ phận người dùng lớn tiếng chỉ trích các sản phẩm của Apple thế nhưng kết quả tài chính của công ty vẫn phản ánh vị thế của gã khổng lồ trên thị trường. Dưới sự quản lý của Steve Jobs, Apple đã trở thành một trong những công ty thành công nhất trong lịch sử.

Jobs chiếm được thiện cảm của cả thế giới nhờ những sản phẩm có thiết kế đẹp mắt, kỹ thuật cao cấp nhưng lại vô cùng dễ sử dụng. Những thiết bị của hãng vừa tinh tế lại vừa phảng phất khiếu hài hước. Để dẫn đầu thị trường, Jobs đã ép tất cả các công ty cung ứng phải tự nâng mình lên một tầm cao mới và thậm chí là tạo ra những đột phá.

Đức tin của một người Á Đông đã tạo nên sự khác biệt giữa Steve Jobs và những lãnh đạo châu Âu khác. Điều này cũng cho phép ông tập trung vào tầm nhìn hơn là hiện thực. Sự kết hợp giữa yếu tố tinh thần và sức mạnh đã cho phép ông “Nghĩ khác” và tưởng tượng ra những trật tự mới của vật chất mà người khác không thể hình dung ra được. Những sản phẩm của công ty luôn là những thiết bị khiến hàng ngàn người xếp hàng dài chờ đợi để được sở hữu. Cho đến nay vẫn chưa có một đối thủ nào tạo nên được hiệu ứng tương tự.

Dưới đây là 10 bài học về cung cách lãnh đạo của Steve Jobs được trang tin Forbes trích dẫn từ bài viết trên trang Harvard Business Review có tên: “The Real Business Lessons from Steve Jobs” của tác giả Walter Isaacson.

Đơn giản hóa

Jobs thể hiện tình yêu với sự giản đơn thông qua chính những sản phẩm của mình. Là một người có mắt thẩm mỹ tuyệt vời, ông hiểu rõ càng giản đơn thì càng thanh lịch, tinh tế và không bao giờ lỗi thời.

Thiết bị đầu tiên nêu bật khao khát “tối giản hóa” của ông chính là chiếc iPod. Chiếc máy nghe nhạc này từ từ tắt và tự động bật sáng màn hình chỉ với một cú trượt. Chẳng hề có nút bật tắt nào trên sản phẩm. Jobs đã viết rất nhiều phần mềm phức tạp và đẩy thiết bị đến giới hạn của hiệu năng để xử lý tất cả những chỉ lệnh mà vẫn giữ cho giao diện người sử dụng được đơn giản.

Jobs cực kỳ giỏi trong viếc thiết kế ra những thiết bị tối giản và phá tan mọi rào cản về tốc độ máy tính. Những hệ thống của ông có thể hoạt động độc lập hoặc hoạt động chung trong một hệ sinh thái kết nối với nhau, ví dụ như chiếc iPod kết nối với máy Mac trong iTunes. Trong khi đó, Apple vẫn có thể quản lý rất nhiều thông tin thông qua các bộ phận trong hệ thống. Ví dụ như Mac kiểm soát việc quản lý hệ thống trong khi iTunes lấy nội dung từ đám mây, giải phóng và cho phép thiết bị tập trung vào việc phát nhạc.

Tình yêu với sự giản đơn của Steve Jobs được thể hiện rõ nhất thông qua thiết kế của chiếc iPhone. Thiết kế của iPhone đã tạo ra một tiêu chuẩn mới cho smartphone và biến chúng thành những chiếc máy tính thu nhỏ. Cho đến bây giờ, iPhone vẫn trung thành với thiết kế nguyên bản của Steve Jobs: Màn hình chỉ có một nút bấm duy nhất nhưng đảm bảo được tất cả các chức năng.

iPhone là một thử nghiệm cho sự ra đời của iPad sau này. Và nó cũng đã chứng mình được rằng có một thị trường lớn cho những công ty máy tính di động còn non trẻ. Vào cuối sự nghiệp, Jobs đã suy nghĩ về một chiếc TV hoàn toàn khác với một hệ thống điều hướng mới để truy cập vào bất cứ nội dung video nào ngay trên nền tảng web. Ông đã ôm giấc mơ biến TV trở thành một thiết bị mang tính cá nhân hơn và cũng dễ sử dụng hơn.

Kiểm soát trải nghiệm

Apple chịu toàn bộ trách nhiệm đối với sản phẩm từ cuối đến cuối. Mọi khía cạnh của phần cứng đều được phân tích một cách cẩn thận, từ các linh kiện cho đến tổng thể. Tương tự như vậy, ông xem xét rất kỹ lưỡng trải nghiệm của người dùng qua từng dòng code và mỗi nhân viên bán hàng tại Apple Store. Mô hình về một hệ thống đóng và độc quyền của Apple rất thống nhất với cách quản lý của ông và khiến cho Apple khác so với những đối thủ mã nguồn mở khác. Mọi người có thể lớn tiếng chê iPhone vì họ không được thoải mái tùy chỉnh chiếc điện thoại của mình so với những thiết bị Android khác, nhưng chính nhờ sự kiểm soát chặt chẽ này, những chiếc iPhone và iPad của Apple hoạt động ổn định hơn, khả năng bảo mật cao hơn và thực ra là “chuẩn không cần chỉnh”.

Cải tiến

“Đôi khi trong lúc bạn làm theo những ý tưởng mới cũng đồng nghĩa với việc thực hiện những công việc sai lầm. Cách tốt nhất là nhanh chóng thừa nhận chúng và tiếp tục thực hiện thật tốt những sáng kiến khác”

“Steve Jobs, the Journey Is the Reward”, Jeffrey S. Young, 1988″

Vượt qua giới hạn

Jobs có khả năng đẩy thúc đẩy mọi thứ đến mức giới hạn tưởng như là bất khả thi. Một ví dụ có thể dẫn ra ở đây đó là trong một ca trực đêm tại Atari, Jobs đã yêu cầu Steve Wozniak viết một game với tên gọi Breakout. Woz nói rằng game này sẽ mất nhiều tháng nhưng Jobs đã nhìn thẳng vào Wozniak và khăng khăng yêu cầu ông phải hoàn thành cả trò chơi chỉ trong 4 ngày. Cuối cùng Woz đã làm được điều đó.

Có niềm tin

Khi Jobs đưa chiếc iPhone vào thử nghiệm, ông nhận thấy rằng màn hình bằng nhựa rất dễ xước, vì thế ông quyết định phần mặt trước sẽ được làm từ kính. Vào những năm 1960, hãng Corning đã phát triển ra một loại kính với tên gọi kính Gorilla có khả năng chống xước rất cao. Vì thế Jobs đã gặp gỡ CEO Corning, ông Wendell Weeks, và đặt hàng một số lượng lớn kính Gorilla đồng thời yêu cầu giao hàng trong vòng 6 tháng. Hãng Corning đã ngừng làm kính từ nhiều năm trước và chuyển sang sản xuất màn hình LCD, thế nên ông Weeks nói với Jobs là hãng không thể giao số lượng hàng lớn như vậy trong thời gian quá gấp. Tuy nhiên Jobs đã thuyết phục bằng cách truyền niềm tin của ông cho vị CEO này: “Ông có thể giao hàng được, đừng sợ”. Weeks cố gắng giải thích cho Jobs hiểu rằng niềm tin của ông là không có căn cứ nhưng Jobs chẳng thay đổi suy nghĩ của mình. Ông nhìn chằm chằm vào Weeks và nói: “Có chứ, ông có thể làm được. Hãy cân nhắc về điều đó. Ông có thể làm được”. Ông Weeks đã triệu tập các nhân viên quản lý của nhà máy Corning tại Kentucky vốn đang sản xuất màn hình LCD và yêu cầu họ chuyển qua làm kính Gorilla ngay lập tức. Cuối cùng, “chúng tôi đã giao hàng đúng hẹn”, Weeks chia sẻ.

“Bạn phải tin tưởng vào một cái gì đó – linh tính, số phận, cuộc đời, thuyết nhân quả hay bất cứ điều gì. Cách tiếp cận này chưa bao giờ làm tôi thất vọng và nó đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời tôi.”

“Steve Jobs, the Journey Is the Reward”, Jeffrey S. Young, 1988

Thay đổi suy nghĩ về thiết kế

Chiếc iPhone đã trải qua nhiều giai đoạn trước khi cả nhóm đưa ra được thiết kế cuối cùng vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ vừa đảm bảo chức năng. Chiếc iPhone đời đầu có vỏ làm bằng nhôm và chiếm gần hết mặt trước của sản phẩm, chỉ để lại một màn hình rất nhỏ để thao tác và thậm chí còn chặn cả sóng radio đến bộ xử lý sóng. Sau nhiều phiên thảo luận căng thẳng với các kỹ sử điện tại công ty, các nhà thiết kế đã phát triển những phiên bản mới trong đó mặt trước của chiếc điện thoại chủ yếu được làm từ kính giúp cải thiện chất lượng sóng.

Tượng tự như vậy, phần bao bì của sản phẩm cũng trải qua nhiều quy trình thử nghiệm. Cá nhân Jobs cũng tham gia vào việc thiết kế nhiều kiểu hộp cho iPhone và ông thậm chí còn xin đăng ký bằng sáng chế cho các loại hộp này. Ông tin rằng quá trình “đập hộp” cũng góp phần tạo nên sự bất ngờ cũng như vui sướng cho khách hàng. Vì vậy, Apple đã dành nhiều thời gian cho công đoạn thiết kế bao bì cũng như sản phẩm và đảm bảo rằng chiếc hộp đựng sản phẩm cũng đẳng cấp như chính sản phẩm bên trong nó. Kết quả là Apple đã tạo ra một trải nghiệm khó quên cho người sử dụng.

Không bao giờ ngủ quên trong chiến thắng

Jobs có thể là người thẳng thắn và nhiều nguyên tắc, thế nhưng ông lại có khả năng truyền cảm hứng cho các nhân viên của Apple và khiến họ tin tưởng rằng họ có thể làm được tất cả mọi thứ. Theo một cách nào đó, kiểu đối xử với nhân viên có phần thô bạo và sự đòi hỏi cao của ông đã ngăn chặn tư tưởng tầm thường, vốn là kẻ thù của sự đổi mới. Jobs luôn nói: “Có thể có cách tốt hơn” và vì thế ông không bao giờ để nhân viên của mình có tư tưởng “ngủ quên trong chiến thắng”. Đó cũng chính là nguyên tắc giúp Apple luôn giữ vững vị thế trên thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Apple đã đi lên từ cửa địa ngục đến trở thành kẻ thống lĩnh thị trường di động trong gần 10 năm. Trong quá trình leo lên đến đỉnh, những đối thủ của Apple bao gồm cả Research In Motion (RIM), Motorola, Sony và HTC có vẻ như đã bị đánh bại thảm hại. Hầu hết các công ty khác trong trường hợp đó sẽ thả lỏng dần. Các CEO và những quản lý cấp cao sẽ dành thời gian để xuất hiện nhiều hơn trên trang bìa các tạp chí lớn để nâng tần suất xuất hiện của công ty và đầu tư cho thành công tiếp theo. Khi cả thế giới đang tôn thờ bạn, bạn sẽ rút chân mình khỏi thị phi. Bạn cho rằng mình nên nghỉ ngơi một chút, nhất là sau 10 năm vất vả xây dựng lại công ty. Thế nhưng Apple không làm vậy. Họ vẫn lao vào cuộc chiến với Samsung và Google.

Hợp tác

Jobs tin tưởng rằng sự sáng tạo đến từ những cuộc họp bất thình lình. Jobs chia sẻ: “Bạn tiến về phía ai đó và hỏi họ đang làm gì. Sau đó bạn nhận ra những sự kết nối và bạn rất nhanh chóng nghĩ ra rất nhiều ý tưởng”. Khu vực sảnh nối các tầng của tòa nhà hãng Pixar luôn được chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc họp bất thường.

Trong thời gian làm việc tại Apple, Steve Jobs càng ngày càng quản lý nhân sự tốt hơn. Ông vẫn quát mắng nhân viên nếu người đó không làm được việc, nhưng ông đã biết cách tiết chế sự bộc phát khiến của mình và giảm bớt số người thù hằn mình hơn nhiều so với trước kia. Ông đã hiểu được rằng một người không thể làm tất cả mọi thứ để gây dựng sự nghiệp, ít nhất là không nếu bạn muốn chứng kiến sự thành công rực rỡ trong công việc mình đang làm. Bạn cần nhân lực. Họ phải là những người có tài. Họ cần phải được truyền cảm hứng. Họ cần phải được chịu trách nhiệm. Họ cần phải được trao cho cơ hội để thành công và thất bại với chính sức của bản thân chứ không phải trở thành những con rối cho bạn điều khiển. Nói tóm lại, Steve Jobs đã học được cách trở thành một người lãnh đạo tài giỏi và quản lý con người thật tốt để khiến những ý tưởng tuyệt vời của bản thân và sự nỗ lực có sức ảnh hưởng thực sự tới thế giới.

“Những điều tuyệt vời trong kinh doanh không bao giờ được thực hiện bởi một người, chúng đến từ cả một tập thể”.

Steve Jobs (“60 Minutes”, 2003)

Tầm nhìn và chi tiết

Tầm nhìn của Jobs thể hiện trên cả những vấn đề lớn và nhỏ Một vài vị CEO có tầm nhìn vĩ mô trong khi những người khác thì là “thánh” của những chi tiết. Năm 2000, Jobs đã đưa ra một tầm nhìn lớn lao về việc máy tính cá nhân sẽ trở thành một nơi quản lý nội dung của người sử dụng. Đến năm 2010, ông lại nghĩ ra ý tưởng kho quản lý nội dung của người sử dụng đó phải được đưa lên đám mây, vì thế Apple đã cho xây dựng những khu đặt máy chủ lớn để tải và đồng bộ nội dung.

Thế nhưng không phải đầu óc của Jobs chỉ để dành để nghĩ đến những việc lớn. Paul Jobs, cha đẻ của Steve Jobs, là một thợ máy và cũng là một người thợ thủ công. Cha Steve Jobs chính là người đã dạy ông về tầm quan trọng của việc chú ý đến từng chi tiết và điều này đã ảnh hưởng đến con người cũng như tính cách của ông. Chỉ cần nhìn vào những chiếc iPhone, iPad hay máy Mac là bạn đủ biết Jobs để ý tiểu tiết đến mức nào. Ánh sáng trên dòng chữ “Slide to unlock” chạy theo hướng người dùng cần lướt tay để mở khóa iPhone, iPad; nút bấm biểu tượng của hình đèn pin trên Control Center cũng thay đổi tương ứng theo chế độ bật tắt tương tự như chiếc đèn pin thật; biểu tượng đồng hồ luôn thể hiện chính xác giờ hiện tại… Đó chỉ là vài chi tiết trong số rất nhiều điều thể hiện sự tinh tế và tỉ mỉ trên thiết kế của iPhone nói riêng và các sản phẩm của Apple nói chung.

Nổi loạn

Jobs vẫn là một người có đức tin vào sự giao lưu văn hóa từ thời ông còn trẻ và sống theo kiểu hippie. Khi quay trở lại làm CEO của Apple, ông đã giúp viết nên slogan của hãng “Think Different” (Nghĩ khác) với dòng quảng cáo: “Điều này là dành cho những người điên rồ. Những kẻ khác người. Những kẻ nổi loạn. Những kẻ luôn gây ra rắc rối. Những chiếc cọc tròn trong những lỗ vuông…” Đó chính là lời ông tự mô tả về bản thân mình, đặc biệt là câu cuối cùng: “Trong khi một số người nhìn chúng ta như những kẻ điên, chúng ta nhìn chúng ta như những thiên tài. Bởi chỉ những người đủ điên để nghĩ rằng họ có khả năng thay đổi thế giới thì mới là những người thực sự làm được điều đó”. Trong một bài phát biểu với những sinh viên cuối khóa tại trường Đại học Stanford, ông đã khuyên các sinh viên nên theo đuổi ước mơ của mình và đừng tự ép mình sống cuộc đời của người khác: “Thời gian của bạn luôn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời khác”.

Theo: Lê Kiên
Nguồn: ICT News

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close