Doanh nghiệpKinh doanh

3 số liệu chủ doanh nghiệp buộc phải biết

Theo Marcus Lemonis – Chủ tịch, CEO Công ty Camping World and Good Sam, đồng thời là ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng dành cho startup có tên The Profit (tạm dịch Lợi nhuận), một trong những sai lầm mà nhiều doanh nhân mắc phải là không hiểu các số liệu cơ bản trên báo cáo tài chính.

Chia sẻ trên kênh CNBC, Lemonis cho biết sai lầm này không chỉ các chủ doanh nghiệp nhỏ mắc phải mà không ít người nắm quyền điều hành tập đoàn lớn cũng không hề quan tâm. “Tôi đã gặp rất nhiều CEO của các công ty lớn có trên trong danh sách Fortune 500 company và họ không hiểu gì về những số liệu này. Họ nói, Ôi, tôi có người lo việc đó rồi, hay Giám đốc tài chính của tôi biết chuyện đó đấy“, Lemonis nói với CNBC.

Ba số liệu cơ bản mà ông nhắc đến bao gồm:

1. Doanh thu bán hàng hằng năm

Doanh thu là thu nhập của doanh nghiệp được tính dựa trên hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, hoạt động tài chính và các hoạt động bất thường.

Trong đó, doanh thu bán hàng là tổng giá trị thực hiện được do việc bán hàng hóa, sản phẩm, cung cấp lao vụ, dịch vụ cho khách hàng mang lại. Đây là số liệu quan trọng để xác định kết quả tài chính cuối cùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài việc phân biệt doanh thu bán hàng với những loại doanh thu khác, chủ doanh nghiệp cần hiểu rằng doanh thu bán hàng hằng năm không được tính theo năm dương lịch mà được xác định dựa trên kỳ kế toán năm tính theo năm tài chính.

Cụ thể, tại Việt Nam, Điều 13, Luật Kế toán quy định, kỳ kế toán năm là mười hai tháng, tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch. Tuy nhiên, đối với những đơn vị kế toán có đặc thù riêng về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tính từ ngày 1 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau.

2. Tỷ lệ lãi gộp (hệ số biên lợi nhuận gộp)

Tỷ lệ lãi gộp cho biết mỗi đồng doanh thu thu về tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập cho doanh nghiệp. Đây là một chỉ số rất hữu ích khi tiến hành so sánh các doanh nghiệp trong cùng một ngành.

Doanh nghiệp nào có tỷ lệ lãi gộp cao hơn chứng tỏ doanh nghiệp đó có lãi hơn và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Chỉ số này được tính bằng cách lấy tổng lợi nhuận gộp chia cho doanh thu.

Công thức tính: Tỷ lệ lãi gộp (%) = Lợi nhuận gộp/Doanh thu = (Doanh thu – Giá vốn hàng bán)/Doanh thu

3. Tổng chi phí/lợi nhuận gộp

Lợi nhuận gộp là lợi nhuận thu được của công ty sau khi lấy tổng doanh thu trừ đi các khoản giảm trừ như giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu và trừ giá vốn hàng bán.

Việc xác định tỷ lệ chi phí/lợi nhuận gộp giúp bạn biết được chi phí chiếm bao nhiêu trong tổng mức lợi nhuận, bởi “bạn thanh toán các hóa đơn bằng lợi nhuận mà công ty kiếm được, không phải từ tổng doanh thu”, Lemonis nói.

Lemonis nổi tiếng với những lời khuyên khôn ngoan dành cho startup trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong mỗi tập của The Profit, các startup sẽ cố gắng thuyết phục ông rót vốn, đổi lại, ông sẽ sở hữu một lượng cổ phần cùng tỷ lệ lợi nhuận hưởng từ công ty.

Lemonis từng nói, một khi ông đã đầu tư, chủ doanh nghiệp cần sẵn sàng thực hiện những thay đổi ngay lập tức. “Một khi bạn đã nhận séc của tôi thì tôi có toàn quyền kiểm soát, và không có sự thương lượng nào hết”, ông cho biết.

VÂN THẢO (theo CNBC)/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close