Kinh tế vĩ môThế giới
6 thành phố dẫn đầu nguy cơ bong bóng bất động sản
Thị trường địa ốc toàn cầu đang nóng lên, và nguy cơ bong bóng đã xuất hiện ở nhiều nơi.
Trang CNN Money dẫn báo cáo mang tên Chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu của ngân hàng Thụy Sỹ UBS (The UBS Global Real Estate Bubble Index) cho biết nguy cơ bong bóng bất động sản lớn nhất đang nằm ở thành phố Vancouver của Canada, nơi giá nhà bị đẩy lên với tốc độ chóng mặt do nhu cầu tăng cao.
5 thành phố khác là London, Stockholm, Sydney, Munich và Hong Kong cũng đang ở trong tình trạng nguy cơ bong bóng, bản báo cáo nhận định.
Lãi suất giảm xuống mức thấp trên toàn cầu, thậm chí âm ở một số quốc gia, được cho là lý do chính “thổi” bong bóng bất động sản ở các thành phố toàn cầu nói trên.
Giá nhà tại những thành phố này đã tăng trung bình gần 50% kể từ năm 2011. Tại nhiều thành phố lớn khác của thế giới, giá nhà tăng dưới 15% trong cùng khoảng thời gian.
Tại Vancouver, giá nhà đã tăng hơn 25% từ cuối năm 2014. Đồng Đôla Canada yếu đã kích thích nhu cầu mua nhà tại nước này của các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thị trường bất động sản Vancouver đã nóng đến mức Chính phủ Canada phải vào cuộc và thông qua mức thuế giao dịch bất động sản 15% đối với khách nước ngoài vào tháng 8 vừa qua.
Tại London, giá nhà hiện đang cao hơn 15% so với đỉnh giá hồi năm 2007, trong khi thu nhập của người dân ở thành phố này hiện đã giảm 10% so với năm 2007.
“Nếu nhìn vào Vancouver, London và Sydney, có thể thấy những thị trường nhà đất này thu hút dòng tiền lớn từ nước ngoài, đặc biệt từ khu vực châu Á”, ông Jonathan Woloshin, chiến lược gia thuộc UBS Wealth Management Americas, nhận xét.
Thị trường địa ốc Hong Kong hiện không “nóng” như những đợt “sốt” trước đây, nhưng bong bóng cũng đang hình thành. Thu nhập của người dân đi ngang, dẫn tới việc mua nhà ngày càng ngoài tầm tay.
“Hong Kong không có nhiều đất cho các dự án phát triển nhà, mà nhu cầu thì đang tăng mạnh hơn thu nhập”, ông Woloshin nói.
Bản báo cáo cũng cho thấy giá nhà ở tất cả các thành phố lớn của châu Âu đều đang vượt xa giá trị thực. Chẳng hạn, ở Amsterdam, giá nhà đã tăng gần 15% trong 4 quý qua và tăng 25% kể từ khi thị trường chạm đáy vào năm 2013. Tại Frankfurt, giá nhà tăng 30% kể từ năm 2011, mạnh hơn nhiều so với tốc độ tăng thu nhập.
“Cuộc tìm kiếm lợi nhuận trong môi trường lãi suất thấp đã đẩy các dòng vốn vào bất động sản, cả nhà ở và nhà thương mại”, ông Woloshin nói.
Không có thành phố Mỹ bị đưa vào danh sách cảnh báo bong bóng bất động sản của UBS, nhưng một số thị trường địa ốc ở nước này cũng đang “tăng nhiệt”. Chẳng hạn, giá nhà ở San Francisco đã tăng 50% từ năm 2011.