Thế giớiThời sự

Bắc Kinh dùng biện pháp mạnh để chống tẩu tán tài sản

Theo RFI, trong bối cảnh doanh nghiệp Trung Quốc lên cơn sốt tranh nhau đem tiền tỷ đầu tư khắp thế giới, Bắc Kinh quyết định ngăn cấm đa số những dự án trên 10 tỷ USD và kiểm soát chặt chẽ những dự án trên 1 tỷ. Vì sao?

Theo bản tin của AFP từ Bắc Kinh ngày 29/11/2016 thì để đối phó với tình trạng xuất huyết tài chính và cũng để quản trị hợp lý hơn các dự án đang thực hiện, chính quyền Trung Quốc sẽ giới hạn triệt để mọi kế hoạch của doanh nghiệp Trung Quốc đi mua các công ty ở nước ngoài.

Từ hai năm nay, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu vốn hàng đầu thế giới. Không kể lĩnh vực tài chính, chỉ riêng chuyện mua lại các công ty quốc tế không thôi, số tiền đầu tư đã lên đến 146 tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm 2016. Doanh nhân Trung Quốc không bỏ quên một lĩnh vực nào: câu lạc bộ bóng đá, đồn điền trồng nho làm rượu, công ty điện ảnh, xí nghiệp công nghệ cao cấp, du lịch với những món tiền khổng lồ đánh bại hầu hết các đối thủ cạnh tranh.

Đầu năm nay 2016, tập đoàn hóa chất quốc doanh ChemChina bỏ ra 46 tỷ USD để mua lại công ty nông phẩm Syngenta, Thụy Sĩ. Một công ty sản xuất dây cáp bằng đồng, tuy lỗ lã, vẫn đầu tư hàng tỷ đôla vào Hollywood.

Nhưng chính quyền Trung Quốc giờ đây muốn dập tắt cơn sốt này. Chiều thứ Hai 28/11, cơ quan phụ trách kế hoạch hóa kinh tế Nhà nước đưa ra thông báo ngắn gọn: “chính phủ xem xét và kiểm soát các dự án đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp và quy định”.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post của Hồng Kông dựa trên một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương PBOC và hãng tin Bloomberg của Mỹ dựa theo các nguồn tin riêng cho biết, Bắc Kinh sẽ cấm hầu hết những kế hoạch đầu tư trên 10 tỷ đô la. Chính phủ cũng “chống lại” những dự án trên 1 tỷ không đúng theo chuyên môn của doanh nghiệp xin đầu tư. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực cho đến hết năm 2017, trừ những dự án chiến lược.

Chưa hết, ngay những luồng vốn trên 5 triệu USD, tiền yuan hay ngoại tệ, đều phải qua kiểm soát.

Các biện pháp được xem là triệt để, sắp được công bố trong nay mai, có vẻ đi ngược lại chính sách của Bắc Kinh vẫn thúc giục doanh nghiệp phát triển hoạt động ở nước ngoài để mở rộng thị phần cho Trung Quốc.

Vì sao có sự thay đổi này?

Theo AFP, mối lo âu của chính quyền Trung Quốc là làm sao ngăn chặn tình trạng xuất huyết tài chính. Làn sóng vốn chạy ra nước ngoài tạo sức ép khủng khiếp lên trị giá đồng tiền nội địa, chỉ trong vòng 10 tháng, sụt 6% so với đô la Mỹ. Một dấu hiệu cho thấy quy mô nghiêm trọng của tình trạng đáng lo này là chỉ trong tháng 10, trữ lượng ngoại tệ của Trung Quốc giảm 46 tỷ đô la và không có dấu hiệu dừng lại. Bắc Kinh phải huy động trữ lượng ngoại tệ để hỗ trợ cho đồng yuan. Giới chuyên gia hối đoái cho biết là trong hai ngày liên tiếp, thứ Hai và thứ Ba, các ngân hàng Nhà nước đã liên tục bán đô la ra thị trường nội địa.

Bài trừ chuyển ngân bất hợp pháp

Bài xã luận của Nhân dân Nhật báo, thứ Ba 30/11/2016, cho biết mục đích của các biện pháp hạn chế chuyển vốn ra nước ngoài là nhằm chống lại tệ nạn “tẩu tán tiền bạc ngụy trang dưới dạng đầu tư”.

Một mối lo khác cho Bắc Kinh là những đợt mua lại các doanh nghiệp quốc tế được thực hiện bằng tiền vay từ sự dễ dãi của các ngân hàng Nhà nước lồng trong mối lo thứ tư là nợ của Trung Quốc đã lên đến 250% tổng sản phẩm quốc nội.

Tờ Nhân dân Nhật báo cảnh báo các công ty Trung Quốc chạy đua đem tiền ra khỏi nước vào lúc tình hình kinh tế, chính trị thế giới đầy bất trắc là không thực tế, sẽ tác hại đến sự tồn vong của xí nghiệp.

Tai hại hơn nữa, theo một tuyên bố phê phán hồi tháng 9 của phát ngôn viên bộ Ngoại Thương thì nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc xuất phát từ tâm lý bon chen, bắt chước và chơi trội . Hệ quả là một số doanh nghiệp Trung Quốc đổ tiền một cách mù quáng và vô tổ chức vào các thương vụ phiêu lưu.

TÚ ANH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close