Nhu cầu máy bay bùng nổ của Đại lục là yếu tố quyết định số phận của 150.000 việc làm ngành hàng không ở Mỹ. Đây là thông tin từ Phó chủ tịch Boeing Ray Conner.
Theo CNN, ông Conner cho biết như trên tại một sự kiện được Ủy ban Quốc gia Quan hệ Mỹ – Trung Quốc tổ chức. Đây là tổ chức khuyến khích sự hợp tác giữa hai nền kinh tế số một thế giới. Sếp Boeing cũng cho biết ông kỳ vọng số lượng việc làm tiếp tục gia tăng.
Phát ngôn viên nhà sản xuất máy bay Mỹ Doug Adler nói với CNN rằng Bộ Thương mại Mỹ xác định 1 tỉ USD trong xuất khẩu thì hỗ trợ khoảng 6.000 việc làm Mỹ. Vì Boeing đã giao 191 máy bay với giá niêm yết tổng cộng 24,6 tỉ USD cho Trung Quốc vào năm 2015, hoạt động kinh doanh của Boeing với Trung Quốc hỗ trợ 150.000 việc làm.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chỉ trích chi phí sản xuất mẫu Air Force One, một sản phẩm của Boeing. Song dàn giám đốc điều hành của một trong hai nhà sản xuất máy bay nổi tiếng nhất lo lắng nhiều hơn về quan điểm của ông Trump đối với Bắc Kinh. Nếu cuộc chiến thương mại bùng nổ, hoạt động kinh doanh của Boeing ở Đại lục có thể bị đe dọa.
Boeing giao gần 500 chiếc Boeing 737 vào năm 2015, trong đó gồm 191 chiếc đến tay các hãng bay Trung Quốc. Tại đây, máy bay Boeing phục vụ tầng lớp trung lưu hiện đã nhiều như dân số Mỹ. Thị trường hàng không Đại lục có thể có giá trị 1.000 tỉ USD trong 20 năm tới. Các nhà máy Boeing đầy ắp những tàu bay được thiết kế riêng cho các hãng hàng không Trung Quốc như Xiamen, 9 air, Sơn Đông, Thâm Quyến, Hà Bắc…
Ông Trump xoay chuyển chính sách đối ngoại tồn tại nhiều thập niên của Mỹ bằng cách nhận cuộc gọi từ lãnh đạo Đài Loan. Chuyện gia tăng đối đầu thương mại với Trung Quốc hoặc vị trí gần gũi hơn trong ngoại giao với Đài Loan có thể tác động xấu lên nhiều doanh nghiệp Mỹ. Boeing là cái tên có nhiều thứ để mất.
Boeing có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế Mỹ. Hãng không có đối thủ cạnh tranh trong nước và thường gắn kết số lượng việc làm Mỹ vào các giao dịch mua bán máy bay. Thông thường, Tổng thống Mỹ là nhân vật thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Boeing nhiều nhất ở cả trong nước và nước ngoài.
Các hãng hàng không Trung Quốc mua máy bay Mỹ và châu Âu với mức độ như nhau trên con đường phát triển. Cùng lúc, nước này cũng đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo máy bay thương mại của riêng mình với kỳ vọng có thể cạnh tranh cùng Airbus, Boeing trong tương lai.
Theo Báo Thanh Niên