Suốt cuộc đời làm doanh nghiệp, điều mà Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM (FFA) – nữ doanh nhân Lý Kim Chi – tâm đắc nhất là luôn kinh doanh đúng pháp luật và sống thật, không vì ham lợi nhuận mà tự làm mất uy tín.
Dù bộn bề với nhiều lĩnh vực kinh doanh, từ chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đầu tư tài chính đến xây dựng khu công nghiệp, nhưng Tổng giám đốc Công ty Thương mại và Xây dựng Nam Long vẫn dành rất nhiều tâm huyết để không chỉ làm tròn vai Chủ tịch FFA mà còn tạo được tiếng nói uy tín cho Hội.
Với bà, góp thêm một tiếng nói, một việc làm có ích cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng chính là góp phần làm cho nền kinh tế phát triển, cho đời sống nông dân, công nhân được tốt hơn.
Chủ tịch FFA kiêm Tổng giám đốc Công ty Thương mại và Xây dựng Nam Long – Bà Lý Kim Chi. Ảnh: Lê Tấn Thảo |
* Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch FFA hai nhiệm kỳ, bà đánh giá thế nào về vai trò của hội ngành nghề nói chung đối với sự phát triển của DN?
– Hội là điểm tựa giúp DN hội viên nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, DN rất cần sự dẫn dắt, đồng hành của hội, nhất là cách vận dụng cũng như làm sao đưa các chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả và nhanh nhất.
Đơn cử, Nghị quyết 19/2018/NQ-CP yêu cầu bãi bỏ 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, giảm 50% danh mục kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra tại giai đoạn thông quan xuống còn 10%, nhưng để Nghị quyết đi vào thực tiễn nhanh và đồng bộ, các hội DN đã phải nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy các bộ, ngành cùng phối hợp triển khai.
Hay như mới đây, Nghị định 09/016/NĐ-CP quy định phải bổ sung iốt trong chế biến thực phẩm và vi lượng sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm đã gây rất nhiều khó khăn cho DN, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, nên ngay sau đó, FFA và các hội ngành nghề có liên quan đã nỗ lực kiến nghị và ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP theo hướng bãi bỏ quy định ấy tại Nghị định 09.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản thực hiện, nên FFA lại tiếp tục phối hợp với các hội ngành nghề tổ chức hội thảo để lấy ý kiến thúc đẩy việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.
* Nhiều năm gắn bó với FFA, điều tự hào nhất của bà là gì, thưa bà?
– Điều tự hào nhất mà tôi đã làm được cho FFA và các DN trong ngành là đã có nhiều kiến nghị kịp thời lên Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN và cũng nhận được sự hồi đáp, vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ. Đơn cử khi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định về Luật An toàn thực phẩm (ATTP) trong thời gian dài đã gây khó cho DN bởi các thủ tục hành chính nhiêu khê, FFA đã cùng các hội ngành nghề khác kiên trì kiến nghị và đã được Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38.
Phải nói rằng, khi Nghị định 15 được ban hành, các DN rất vui vì đã chấm hết một quá trình gian nan vì thủ tục hành chính bất hợp lý, không nâng cao được ATTP mà chỉ gây tốn kém cho xã hội, giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm được rất nhiều ngày công và hàng ngàn tỷ đồng. Song trên hết, Nghị định 15 đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý và nâng cao trách nhiệm của DN đối với sản phẩm do mình làm ra để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. Hay như vụ nước mắm bị “vu oan” chứa asen, chúng tôi đã phối hợp cùng các hội kiến nghị Chính phủ làm rõ và đã cứu được cả vạn lao động trong ngành sản xuất nước mắm truyền thống.
Với những kiến nghị rất kịp thời và sát sao với tâm tư của DN, uy tín của FFA cũng như sức lan tỏa của Hội ngày một lớn. Nhiều năm qua, Hội Lương thực – Thực phẩm được UBND TP.HCM đánh giá là một hội mạnh, hoạt động rất có hiệu quả.
* Vẫn biết vai trò của hội ngành nghề đối với DN rất quan trọng, tuy nhiên, không phải hội nào cũng dễ dàng tập hợp các hội viên. Theo bà, hạn chế đó nằm ở đâu?
– Để một hội ngành nghề hoạt động có hiệu quả và tạo được uy tín trong cộng đồng DN là không dễ. Thời gian đầu được sự phân công của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thành lập FFA, tôi chưa toàn tâm toàn ý nên thường xin rút. Tuy nhiên, mỗi lần gửi đơn, anh em lại động viên “ráng lên, vì nếu chị không làm thì không ai làm” Thế là lại nhận. Nhiều năm đảm trách vai trò Phó chủ tịch rồi Chủ tịch FFA, tôi có điều kiện gắn bó với DN hội viên, càng ngày càng thấu hiểu những khó khăn, thuận lợi cũng như tâm tư của họ trong kinh doanh. Đa số DN trong FFA đều là các DN nhỏ và siêu nhỏ nên tiếp cận với các chính sách rất chậm và cũng không thường xuyên nên chịu nhiều thiệt thòi.
Từ thấu hiểu, tôi thấm dần tình cảm với anh chị em doanh nhân, ngược lại, mỗi khi có vấn đề vướng mắc, anh chị em cũng đặt niềm tin gỡ khó vào tôi và Hội. Chính điều đó đã trở thành động lực để tôi dành hết tâm huyết đảm nhiệm trọng trách, nỗ lực học hỏi, tham gia nhiều cuộc hội thảo, họp hành để nắm bắt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, kịp thời chia sẻ đến DN và nói lên tiếng nói đại diện cho DN.
Theo tôi, để hoạt động hội thật sự hiệu quả thì ngoài việc hỗ trợ DN trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm, cung cấp thông tin, hỗ trợ các vấn đề pháp lý, tư vấn chính sách, pháp luật thì việc bảo vệ quyền lợi hội viên là quan trọng nhất. Bởi, khi tiếng nói thật sự có uy tín và là chỗ dựa cho DN thì sức lan tỏa của hội sẽ rộng hơn, hội viên sẽ tự nguyện, tích cực tham gia.
* Ngoài sự toàn tâm để làm tốt vai trò người đứng đầu một hội ngành nghề còn phải có thêm điều kiện gì, thưa bà?
– Đối với những chính sách đã ban hành nhưng vì lý do nào đó, các cơ quan, bộ ngành vẫn chưa triển khai thì sự tác động tích cực của các hội DN để chính sách đi vào cuộc sống là vô cùng cần thiết. Vì vậy, ngoài tâm và tầm, người dẫn dắt hoạt động của hội còn phải có tinh thần quyết liệt.
* Nhưng quyết liệt thì đụng chạm, bà có ngại ảnh hưởng?
– Đấu tranh phải kiên trì, khéo léo, đôi lúc phải mềm dẻo thúc giục nhưng cũng có lúc phải chịu đựng. Tôi giữ nguyên tắc đó để hành động và để đạt mục đích. Ví dụ như khi nói lên sự thiếu sót của Bộ Y tế trong các quy định ban hành, tôi biết chắc sẽ phải va chạm, phải đối mặt với những ý kiến không đồng tình.
Có những lúc đi gặp chuyên viên các bộ, họ nói FFA đề xuất ý kiến sai, không đúng thực tế, nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc, khéo léo đưa ra bằng chứng khoa học, chứng minh thực tế để thuyết phục. Một ngày không được thì hai ngày, một tháng không được thì hai tháng. Dần dần cũng được lắng nghe. Nói vậy để thấy, nếu làm công tác hội mà không tận tâm thì rất dễ bỏ dở sứ mệnh.
* Bà có ý kiến gì về việc tiêu thụ lương thực, thực phẩm chế biến?
– Các DN của ngành chế biến lương thực, thực phẩm khi đưa sản phẩm ra tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại siêu thị, kể cả siêu thị có vốn nước ngoài, bởi họ luôn đòi chi phí hoa hồng rất cao, từ 12 – 20%, trong khi mức chiết khấu tại hệ thống phân phối các nước ASEAN thấp hơn rất nhiều. Bất cập hơn nữa là các DN lớn thì chiết khấu ít hơn so với các DN nhỏ.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm triệt tiêu sản xuất của các DN nhỏ và vừa. Do đó, FFA rất cần có sự hỗ trợ và quan tâm hơn nữa của chính quyền TP.HCM đối với DN trong việc nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. FFA đã có tờ trình gửi Sở Công Thương, UBND Thành phố đề nghị đầu tư, củng cố tốt hơn cho các tập đoàn bán lẻ như Saigon Co.op, Satra để hỗ trợ ngành lương thực, thực phẩm chế biến.
* An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đang được xã hội quan tâm nhưng cũng còn nhiều bất cập, bà có kiến nghị gì?
– Nếu phát triển sản phẩm xanh và sạch theo xu hướng thế giới thì cần phải có sự quản lý đồng bộ từ quy hoạch vùng, kiểm soát chất lượng đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt cần có chính sách lãi vay ngân hàng ưu đãi, bởi hiện nay, khi rất nhiều loại hàng hóa thuế nhập khẩu bằng không, nếu không hạ lãi suất thì sức cạnh tranh của DN trong ngành so với các DN cùng khu vực sẽ bị giảm sút. Ví dụ, DN sản xuất mì ăn liền Thái Lan được vay lãi suất thấp nhưng DN trong nước lại chịu lãi suất cao thì giá thành sản phẩm của họ sẽ thấp hơn nên có lợi thế cạnh tranh hơn.
* Thời gian qua, làn sóng M&A hoặc mua bán, chuyển nhượng cổ phần giữa DN trong nước với nước ngoài diễn ra khá nhiều ở DN thực phẩm, bà có lo ngại gì không?
– Đó là xu hướng tất yếu, nhưng mỗi khi nghe một DN Việt Nam vừa ký chuyển nhượng tôi cảm thấy tiếc nuối. Vì vậy, mỗi khi gặp, câu đầu tiên mà các anh chị em trong ngành thường động viên nhau là “ráng giữ thương hiệu, đừng bán cho ai nghen”. Thực tế, sau các thương vụ M&A thì cuối cùng DN thâu tóm đều làm chủ và DN Việt Nam không còn tồn tại. Đáng lo hơn là các cuộc “hôn nhân” này hầu hết đều đổ vỡ và sắp tới, sẽ tiếp tục đổ vỡ.
Nguyên nhân là do khi đàm phán để mua bán, chuyển nhượng cổ phần với DN nước ngoài, DN Việt Nam rất ít kinh nghiệm, không lường trước những gì sẽ xảy ra nên sau khi chuyển nhượng vốn một thời gian, đối tác tăng vốn, đa số DN Việt Nam không còn giữ được tỷ lệ sở hữu vốn nhiều, từ đó dẫn đến việc “cơm không lành canh không ngọt” và phải chia tay. Đứng ở góc độ FFA, tôi mong Nhà nước hỗ trợ DN trong nước nhiều hơn để họ ổn định sản xuất, từ đó mới có đội ngũ đông đảo DN Việt Nam, mới có các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
* Trong cuộc đời làm doanh nghiệp, bà tâm đắc nhất điều gì?
– Xuất thân từ một cán bộ nhà nước, rồi ra làm tư, trên suốt chặng đường đó, thành công từng nếm, thăng trầm từng trải nên điều tôi tâm đắc nhất là luôn kinh doanh đúng pháp luật và sống thật, không vì ham lợi nhuận mà tự làm mất uy tín. Song, điều hạnh phúc lớn nhất là tôi đã làm được rất nhiều điều có ích cho DN, cho xã hội, từ việc chăm lo cho người già, người nghèo, học bổng cho học sinh, làm đường, làm cầu cho vùng nông thôn xa xôi. Đến bây giờ, tôi làm ra một đồng thì chia cho công tác xã hội phân nửa. Dù mỗi năm tuổi mỗi cao nhưng tôi vẫn luôn nỗ lực cống hiến cho tập thể và làm tốt việc sản xuất, kinh doanh.
Với nhiều mong mỏi và nhiều dự định còn phải làm, nếu lúc này cho tôi được một điều ước, tôi sẽ ước trẻ lại 10 tuổi để làm được nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn, góp phần đào tạo lớp doanh nhân trẻ dám nghĩ, dám làm, tâm tài đầy đủ. Hiện nay tôi vẫn làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới rời công ty, thậm chí không nghỉ trưa nhưng vẫn tràn đầy năng lượng.
* Bà từng chia sẻ “được cũng nhiều và mất cũng không ít”. Từ những được mất đó, bà để lại bài học gì cho thế hệ doanh nhân trẻ?
– Kinh doanh thì có thành có bại, có lãi có lỗ. Nhưng qua nhiều thăng trầm, tôi rút ra bài học, dù tình huống nào, việc đầu tiên là phải giữ trọn vẹn chữ tín và cái tâm. Thứ hai là muốn DN vững thì phải có nền tảng vững và không vì lợi nhuận mà liều, rồi phóng quá tầm tay.
Suốt gần 30 năm xây dựng nền tảng trong lĩnh vực bất động sản, tham gia đầu tư, xây dựng, mua bán dự án trong từng thời kỳ lên xuống, chao đảo của thị trường nhưng Công ty vẫn giữ được uy tín và trụ vững là do tôi không phóng quá tay, điều tiết được những lúc thị trường lên xuống, đặc biệt là làm đúng pháp luật. Bài học thứ ba là phải tôn trọng, sẻ chia, chăm lo nhân viên, công nhân, người lao công cả vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống rất sòng phẳng, những điều mình làm từ tâm cũng sẽ được đáp trả từ tâm.
* Cảm ơn những chia sẻ của bà!
LỮ Ý NHI