CEO ViệtNhân vật

Chủ tịch Thành công Mobile: Phải có tình mới có được tiền

Tôi đến gặp Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thành công Mobile, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM vào một buổi sáng tháng 10, ngay tại trụ sở của Thành Công Mobile trên đường Phan Đình Phùng. 

Ngạc nhiên thấy lối đi lên phòng làm việc của anh rải đầy hoa hồng. Thì ra hôm nay là sinh nhật của vợ anh, người phụ trách khâu kiểm soát nội bộ của công ty.

Được dự bữa tiệc sinh nhật đúng tinh thần của dân công nghệ, với bánh, hoa và video clip sôi nổi, nghịch ngợm do chính anh em công ty quay và dựng, mới hiểu một tinh thần trẻ đã gắn kết đội ngũ này vượt qua những thử thách đầy cam go của thị trường điện thoại di động.

Nhạy bén, năng động, đam mê những ngành kinh doanh “hot” nhất là tài chính, viễn thông, bất động sản, và đã từng nếm trải thất bại khi còn rất trẻ, anh trở thành gương mặt sáng giá của giới doanh nhân trẻ TP HCM với thương hiệu điện thoại di động của riêng mình.

Ngày tốt nghiệp đại học cũng là ngày chính thức khởi nghiệp 

Cha là giáo sư dạy toán, sau đó chuyển qua làm Sở Thương nghiệp. Giỏi ngoại ngữ, thơ văn, đọc sách nhiều, ông đã truyền cho anh một kho tàng tri thức đáng kể. Mẹ anh lại là người cực kỳ tháo vát, bươn chải, vừa dạy may vừa kinh doanh tại nhà. Tố chất kinh doanh đã có trong anh từ rất sớm, lên lớp 10 anh đã học lỏm mấy anh chị lớn trong xóm tập tành mua bán xe, làm giấy tờ xe tự kiếm sống cho mình.

Ngày tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Đại học Mở bán công TP HCM cũng là ngày anh chính thức khai trương công ty đầu tiên. Tự vươn lên bằng chính bản thân với số tiền khởi nghiệp mượn của ba mẹ và người anh học chung tổng cộng 100 triệu đồng từ 1996, thời đó số tiền này với chàng trai như anh là cả một gia tài.

Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng nên chỉ sau hai tháng đã có lời, trong 2 năm anh mở 4 cửa hàng, tuy nhiên giai đoạn đầu vất vả lắm vì cái gì cũng phải làm hết, vừa giám đốc kiêm bán hàng, kiêm vận chuyển.

Được cái anh rất siêng năng, một ngày làm 12-15 tiếng. Đi lên từ lĩnh vực kinh doanh điện gia dụng, bếp ga, anh đã tích lũy được vốn liếng để lấn sân sang lĩnh vực viễn thông với công ty Thành công Mobile, lĩnh vực tài chính với công ty Thành Công Invest, lĩnh vực bất động sản với công ty Huna…

Nhưng kinh doanh tài chính và bất động sản quả không dễ dàng như anh nghĩ. Vừa bước chân vào đã đối diện ngay với thất bại, rủi ro. Anh nhớ lại: “Năm 2008 tôi tham gia sàn vàng được 1 năm, nhưng do Chính phủ thấy người dân đầu tủ nhiều quá, sợ ảnh hưởng dự trữ vàng quốc gia nên đã cấm, nên phải dẹp công ty. Tuy nhiên tôi thấy đó là quyết định đúng, vì thị trường vốn mới giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn sàn vàng, nhưng người dân lại đánh vào sàn vàng nhiều hơn, ảnh hưởng đến thị trường vốn”.

“Công ty bất động sản thì vẫn chỉ làm túc tắc với những dự án nhà cao tầng cho thuê, vì thị trường còn quá khó khăn, không thuận buồm xuôi gió lắm. Bất động sản và tài chính là hai ngành cực kỳ sát sườn, hỗ tương nhau. Thị trường bất động sản chỉ cần bán không được thì thị trường tài chính ảnh hưởng ngay, như cá với nước vậy đó. Không có nước thì cá chết, có nước mà không có cá thì cũng chết… Nhưng được cái kinh doanh ba mảng này giúp mình nắm được tổng quan nền kinh tế, hiểu được vận hành của thị trường. Lĩnh vực điện thoại mới hứa hẹn là nền công nghiệp đứng đầu doanh thu trong tương lai”, anh cho biết thêm.

Hai cuốn sách ảnh hưởng lớn nhất đến anh ngày đầu khởi nghiệp, dạy anh cách làm người, và cách kinh doanh, đó là cuốn “Đắc nhân tâm” của Nguyễn Hiến Lê và “Nước Nhật mua cả thế giới”.

Anh chia sẻ: “Tuy được Nguyễn Hiến Lê dịch từ phương Tây nhưng cuốn “Đắc nhân tâm” rất sâu sắc, bởi ông đã tập hợp được tinh túy của văn hóa phương Đông để đưa vào. Cuốn sách ấy đã dạy tôi muốn kinh doanh thành công phải biết kính trên nhường dưới, sống chân thật, không dối gian.

“Nước Nhật mua cả thế giới” lại là ý chí phấn đấu của người Nhật trước và sau chiến tranh. Nước Nhật từng nuôi mộng thống lãnh cả thế giới bằng vũ khí nhưng thất bại, họ vẫn nung nấu ý chí đó, thay bằng đứng đầu bằng vũ trang, giết chóc, họ chọn con đường đứng đầu bằng cách đem lại cái lợi cho cộng đồng qua hàng hóa để thừa hưởng nó. Khi con người tạo ra sản phẩm hàng hóa bền, tiện ích, đem lại giá trị cao cho cuộc sống nhân loại chắc chắn sẽ đứng đầu. Bất cứ lĩnh vực gì họ cũng có ba bí quyết: vừa bắt chước, vừa sáng tạo, vừa đổi mới để tạo sự khác biệt.

“Những cụm từ như thế đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Dĩ nhiên khuynh hướng ngày nay của người Nhật đã khác. Trong 100 thương hiệu đứng đầu thế giới, cả châu Á chỉ có 10 thương hiệu, Nhật đã chiếm đến 6 thương hiệu rồi. Tôi nể phục tinh thần đó của người Nhật”, anh cho biết.

Từ nhà phân phối điện thoại di động đến nhà nhập khẩu, và gầy dựng thương hiệu cho riêng mình

Làm viễn thông, công nghệ là ước mơ của Nguyễn Quốc Bảo từ hồi còn học đại học, ban đầu anh làm phân phối cho các hãng điện thoại lớn Nokia, Samsung, Sony…

Anh kể: “Để xây dựng hệ thống, phải có kênh phân phối tốt, có công nợ cho đại lý nhiều năm gắn bó nên nếu người ta không lấy hàng mình nữa thì mình rút công nợ, họ cũng khó khăn. Thứ hai là tạo mối quan hệ, thứ ba là có chính sách chiết khấu tốt để họ có lợi nhuận, thì họ sẽ đồng hành chung với mình.

Quỹ đầu tư Mitsui của Nhật từng đề nghị mua Bavapen với giá gần 200 tỷ.

Sự kiện ấn tượng nhất trong đời với anh là cuối 2006, quỹ đầu tư Mitsui của Nhật đòi mua công ty với giá gần 200 tỷ và chiếm 70% cổ phần, vẫn đề nghị anh làm tổng giám đốc trong ba năm. Suy nghĩ rất nhiều, anh quyết định không bán.

Anh nói: “Đó là lần sai lầm nhất của tôi”.

Đó là bời vì: Nguồn tiền lấy về 70% nhân 3,2 lần là một số tiền cực kỳ khủng khiếp mà mình không bán, đó là thất bại lớn. Bởi nếu bán mình sẽ học hỏi được năng lực tài chính của người ta để vươn ra quốc tế, khi lên sàn sẽ huy động vốn để làm dự án lớn hơn.

“Sau khi tôi từ chối, có rất nhiều nhà phân phối mời nhưng lại cần công ty lên sàn, có cổ đông nước ngoài… Tôi đã để vuột mất những cổ đông rất lớn thời điểm đó. Ví dụ như Panasonic để nghị mình phân phối lĩnh vực Telecom cho họ, nhưng do ngân sách chỉ đủ làm điện thoại nên tôi không thể nhận thêm dự án rất tốt này. Đó là sự uổng phí nhất mà tôi tiếc nuối”, anh nhớ lại.

Nếu biết tận dụng hết nguồn vốn của quỹ đầu tư sẽ giúp mình đột phá thành công ty lớn. Công cụ M&A lúc đó còn quá mới, đầu óc mình chưa cởi mở. Bây giờ thì đầu óc mình cực kỳ cởi mở rồi, ai cho là làm ngay.

“Tôi cũng rút chức tổng giám đốc để dành cho người trẻ hơn, đi tới khuynh hướng minh bạch, đại chúng hóa doanh nghiệp của mình. Tôi chỉ giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị thôi để tập trung kêu gọi đối tác, vốn đầu tư”, Nguyễn Quốc Bảo nói thêm.

Thời điểm 2008, anh là nhà phân phối đầu tiên tự nhập điện thoại chính hiệu của Sony, Samsung, LG, Nokia, Motorola, đóng thuế 100% luôn, nhưng giá bán ra vẫn rẻ hơn các hãng, có chiếc chênh lệch cả 4 triệu đồng. Điều này đã khiến 5 ông lớn trong ngành điện thoại di động lao đao, vì chi phí quảng cáo tốn kém và chi phí nhân sự, marketing… cộng vào đã làm giá sản phẩm đội lên rất nhiều. Nhiều hãng còn tố cáo anh làm hàng nhái, hàng giả.

Nhớ lại thời điểm đó, anh chia sẻ: “Những hãng lớn bán điện thoại di động cho người Việt Nam giá cao hơn thị trường khu vực như Hongkong, Dubai, New York rất nhiều”.

Chính vì thế, “Tôi nhẩm ra hàng năm các hãng lấy tiền của người Việt hàng tỷ USD. Mình là người đầu tiên tự nhập khẩu chính thức về để bán cho người Việt, tôi muốn dân mình không phải chịu giá quá cao so với thị trường các nước”

Kết quả là, một số người đại diện các hãng đã vu oan cho tôi không đúng sự thật, nói tôi bán hàng nhái. Tôi phải mời các báo đài, cơ quan kiểm tra chất lượng đến kiểm tra chất lượng, nguồn sản xuất. Mấy ông lớn thấy không làm được gì mình, bèn quay sang thỏa thuận thôi đừng nhập nữa, họ sẽ phân phối hàng cho tôi với giá tốt.

“Tôi nghĩ như thế là mình có tội, nên đã quyết định từ chối. Sau đó các hãng phải đồng loạt hạ giá, người tiêu dùng Việt Nam không bị “bóp cổ” nữa. Cũng nhờ thế mà tôi được các đại lý quý lắm. Họ ủng hộ mình cả hai tay hai chân luôn”, anh cho biết.

Nhấn mạnh đến bài toán chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài, anh kiến nghị: “Trào lưu một số hãng như Coca, Pepsi… đã làm lâu rồi, đó là chuyển giá. Hàng của họ giá 100 đồng thôi, họ báo mình nhập khẩu về Việt Nam làm 200 đồng, mình thu được 20 đồng VAT thôi tưởng mừng. Nhưng khi về họ bán 150 đồng, rồi báo lỗ, nhưng thực sự họ đã được lời bao nhiêu lần. Nhiều hãng làm chuyện đó, điều tiết đồng lời của họ, muốn nước nào hưởng là hưởng, Việt Nam mình thiệt thòi là ở chỗ đó”.

“Chính phủ nên thương yêu doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Đằng nay doanh nghiệp trong nước lại bị kiểm tra gắt gao hơn doanh nghiệp nước ngoài, trong khi doanh nghiệp trong nước đóng thuế nhiều hơn, còn doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá phần lớn. Nếu không tương lai chúng ta sẽ làm công cho doanh nghiệp nước ngoài thôi. Hiện nay việc chuyển giá là công cụ để doanh nghiệp nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt Nam. Kiến nghị này tốt cho cả dân tộc chứ không riêng gì mình tôi đâu”, anh nói thêm.

Nói về Bavapen, thương hiệu điện thoại di động đầu tiên của Việt Nam, anh tự hào: “Gia nhập WTO rồi, thuế nhập khẩu bằng không mà, nhà máy của tôi nằm sát nhà máy của Oppo Trung Quốc. Bavapen sử dụng công nghệ Chipset, Qualcomm của Mỹ, MTK của Đài Loan. Chúng tôi có 150 điểm tiếp nhận bảo hành trên toàn quốc, 30 điểm bảo hành cấp độ ba tại 30 tỉnh thành lớn trên cả nước, doanh thu đang tốt. Bài toán ‘đứng trên vai người khổng lồ’, giống Oppo vậy đó, họ cũng đâu có nhà sản xuất”.

Hỏi anh “nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã từng thất bại vì bị Trung Quốc lừa, làm ăn với người Trung Quốc có khó khăn nhiều không?”.

Anh nói: “Các nhà máy sản xuất công nghệ của Trung Quốc cũng có nhiều đẳng cấp. Tôi làm việc với nhà máy đa quốc gia, sản xuất cho các thương hiệu lớn thế giới. Để bảo vệ chất lượng cam kết, mình phải có đội ngũ kỹ sư kiểm tra thường xuyên. Tiền xây dựng thương hiệu của mình không bằng các hãng lớn, mình phải ‘đánh du kích’ theo kiểu thị trường ngách, với giá giao động từ 500 ngàn đồng đến 4 triệu đồng. Tôi vui vì chất lượng mình tốt nên các đại lý, người tiêu dùng quý mến, ủng hộ Pavapen”.

Ngoài ứng dụng chung, Bavapen còn có ứng dụng nông nghiệp dành cho nông dân, với giá các loại nông sản từng ngày, từng khu vực, chia theo huyện, đơn vị thu mua, chất lượng loại nông sản đó… Người thu mua có thể xem được giá lúa gạo, khoai mì khoai lang, giá tiêu điều, sắn mía… tại chỗ, để đến mua trực tiếp luôn. Bavapen đã phủ sóng 63 tỉnh thành, mạnh nhất là miền Tây và miền Bắc, với số lượng sản xuất khoảng 500 ngàn chiếc/năm”, anh cho biết thêm.

Chơi golf là chiến thắng chính mình

Là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, Phó chủ tịch CLB Golf Trung ương hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, bí quyết của anh để giữ được phong độ tươi trẻ và tinh thần minh mẫn là tập thể dục hàng ngày, ăn trái cây nhiều, chơi golf, đá banh, chạy xe đạp, bơi lội với con hàng ngày.

“Từ hồi chơi golf đến giờ, tính tôi trầm hơn, có nhiều bạn hơn”, Nguyễn Quốc Bảo cho biết. 

Anh tâm sự: “Cuộc sống hàng ngày của tôi đơn giản lắm, cuối tuần chỉ dành cho vợ con, năm ngày còn lại lo cho công ty, cộng đồng. Từ hồi chơi golf đến giờ, tính tôi trầm hơn, có nhiều bạn hơn. Golf là chiến thắng chính mình mà. Tôi đi nhiều, vợ hay cự nự nhưng thực ra có thể thời gian chưa dành cho gia đình nhiều lắm, nhưng cái tâm là hướng về gia đình nhiều nhất.

Hai vợ chồng cùng làm công ty, trước về hay nói chuyện công việc lắm, giờ phải thỏa thuận nhau về nhà không nói chuyện công việc nữa. Vợ mình quán xuyến hết chuyện gia đình, chăm nom nhà cửa kỹ lắm. Hai vợ chồng tôi rất thích trồng cây, nhà cửa cây hoa nhiều lắm, có vườn rau sạch ở nhà luôn, như rau muống, tỏi, tớt, hành, sả… những loài cây dễ trồng nhất”.

Trong kinh doanh anh coi trọng uy tín nhất. “Uy tín thương hiệu chính là uy tín cá nhân. Không có uy tín khó thành công lắm. Nhân viên không thể làm cho doanh nghiệp uy tín được nếu người đầu tàu không uy tín. Nhất chữ tín, nhì nhân sự là hai vốn quý nhất. Xưa giờ tôi không bao giờ kinh doanh vì lợi nhuận, tiền chỉ là phụ, nhiều tiền quá không làm cho người ta hạnh phúc. Hạnh phúc là được những người xung quanh ủng hộ, quý mến”.

Người ta nói hạnh phúc là có tiền và có tình, nếu có cả hai thì tốt quá, nhưng phải có tình mới có được tiền.

Nhìn lại những được mất của đời doanh nhân, tôi rút ra bài học sống cho riêng mình: Để sống thanh thản thì đừng trách móc, đừng than phiền, đừng đổ lỗi. Thứ hai là nhìn mọi vấn đề ở khía cạnh tích cực, có ý chí, quyết tâm. Tâm tà thì làm gì cũng tà. Còn tâm tốt, tiếp xúc với người khác bằng lương tri thì tự động sẽ thuyết phục được người.

KIM YẾN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close