Kinh doanh quốc tếThế giới
“Con đường tơ lụa” tạo hàng tỷ USD cho ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc
Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đã trở thành động lực mới cho sự phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
Các nước tham gia dự án “Một vành đai, một con đường” có thể tiêu thụ 10 GW trong số 40 GW công suất điện mặt trời dư thừa hằng năm của Trung Quốc.
Nỗ lực nhằm khôi phục con đường tơ lụa của Trung Quốc có khả năng tạo ra một thị trường mới trị giá khoảng 50 tỉ nhân dân tệ mỗi năm, tương đương khoảng 7,5 tỉ USD, cho các nhà sản xuất cũng như những đơn vị lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời.
Theo South China Morning Post, Đại lục, đang chiếm ưu thế trong việc xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời lớn trên thế giới, có thể bổ sung thêm khoảng 80 GW công suất phát điện mỗi năm, tương đương khoảng 80% tổng công suất điện mặt trời toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ từ thị trường trong nước ở giai đoạn 2017 – 2020 ước tính chỉ chiếm khoảng 40 GW. Như vậy, Trung Quốc vẫn còn dư một nửa công suất năng lượng mặt trời để xuất khẩu sang thị trường phương Tây và các nước tham gia vào dự án “Một vành đai, một con đường”.
“Cơ hội nằm trong các thị trường bao gồm cả Mỹ và những quốc gia dọc theo lộ trình của Con đường tơ lụa mới, nơi công suất phát điện thường không đủ. Việc lắp đặt hệ thống quang điện có thể được thực hiện nhanh hơn các nhà máy chạy bằng than”, Alex Liu, chuyên gia phân tích của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS cho biết. Ông Liu cũng nói thêm rằng kế hoạch xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời của Trung Quốc tại những nước có kết nối với Con đường tơ lụa mới, hầu hết là ở Đông Nam Á, châu Âu và châu Phi, có thể sẽ sớm được hình thành.
Việc xây dựng nhà máy điện tại các quốc gia thuộc khu vực nói trên là phần quan trọng trong tham vọng tạo ra một trật tự kinh tế toàn cầu mới của Đại lục, với mức đầu tư ít nhất khoảng 780 tỉ nhân dân tệ vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” còn nhằm mục đích xuất khẩu một phần hàng hóa dự trữ của Trung Quốc ra nước ngoài, do có một số ngành sản xuất hiện có mức dự trữ dư thừa sau nhiều thập niên dẫn đầu tăng trưởng.
Rachel Duan, Giám đốc điều hành các doanh nghiệp ở Trung Quốc của General Electric, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đó rằng tập đoàn công nghiệp Mỹ sẽ hợp tác với các công ty Trung Quốc để khai thác tiềm năng kinh doanh dọc theo tuyến “Con đường tơ lụa” mới, trong đó sẽ tập trung nhiều vào xây dựng các nhà máy sản xuất điện.
Hiện các công ty lớn của Trung Quốc tham gia vào các trang trại năng lượng mặt trời bao gồm GCL-Poly Energy Holdings và Suntech Power.
Theo VnExpress