Nếu như phân khúc sữa bột được xem là “át chủ bài” của các doanh nghiệp ngoại khi chiếm đến 70% thị phần, thì phân khúc sữa nước lại đang nghiêng về các doanh nghiệp nội. Thời gian gần đây, các thương hiệu sữa công thức trong nước cũng đang có sự vươn lên mạnh mẽ khi nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người tiêu dùng.
Sản phẩm đa dạng, giá cả phải chăng
Theo ghi nhận, trên thị trường hiện nay có hơn 20 thương hiệu sữa dành cho trẻ em như : Vinamilk, Dutch Lady, NutiFoods, Netsle… Trong đó, “ông lớn” của ngành sữa trong nước – Vinamilk đã chiếm 50% thị phần phân khúc sữa nước, tuy nhiên trong phân khúc sữa bột, hãng cũng có dòng sữa công thức Dielac dành cho trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi.
Trao đổi với PV, chị Thu Nga (Xuân Thủy, Hà Nội) cho biết: “Trên thị trường hiện nay dòng sữa bột rất đa dạng về chủng loại, đa phần đều là các hãng sữa của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Giá cả vì thế cũng khá chát so với túi tiền của đại đa số các gia đình trẻ đang nuôi con nhỏ. Sữa nội địa hiện chất lượng cũng khá tốt, giá cả cũng phải chăng hơn. Không phải hàng cứ đắt tiền mới có chất lượng mới tốt”.
Theo khảo sát, sản phẩm sữa bột của Vinamilk có giá cả dao động từ 180.000 – 250.000 đồng/hộp. Trong khi đó, Dutch Lady cũng bán đầy đủ loại sữa cho trẻ từ 0 – 6 tuổi, dòng cao cấp có nguyên liệu hoàn toàn nhập từ Hà Lan, mức giá từ 200.000 – 500.000 đồng/hộp. Hãng sữa Nuti được đánh giá cao với giá cả phải chăng, chất lượng ổn định từ 200.000 – 350.000 đồng/hộp. Nesle cũng chiếm thị phần lớn trên thị trường sữa công thức với giá từ 200.000 – 400.000 đồng/hộp.
Hãng sữa Abbott của Mỹ cũng được nhiều bà mẹ biết đến chọn lựa sử dụng song có mức giá khá chát so với túi tiền của người Việt, dao động từ 250.000 – 750.000 đồng/hộp. Thương hiệu Dumex đến từ Pháp cũng có mức giá khá chát từ 300.000 – 400.000 đồng/hộp. Hãng Enfa cũng có giá tiền khá cao nên dành cho các gia đình có điều kiện kinh tế, dao động từ 300.000 – 700.000 đồng/hộp. Hãng sữa Meiji của Nhật dù đã bị cấm nhưng vẫn được bán tràn lan với mức giá khá cao từ 350.000 – 500.000 đồng/hộp.
Khi hỏi một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng sữa cho thấy, các sản phẩm sữa nội địa có chất lượng ổn định, giá cả phải chăng đang được nhiều người ưa chuộng. Tùy vào nhu cầu và điều kiện kinh tế, mỗi gia đình lại cân đối sử dụng sản phẩm nội hay ngoại, nhưng nhìn chung những sản phẩm chất lượng tốt luôn có chỗ đứng trên thị trường.
Đối mặt với bài toán cạnh tranh
Khi các Hiệp định thương mại tự do đang đến gần, thị trường sữa được dự báo sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa DN nội và DN ngoại. Đáng nói là, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ nhờ những ưu đãi trong các FTAs, mức giá sản phẩm của các sản phẩm sữa ngoại sẽ trở nên cạnh tranh hơn. Chính vì vậy, sữa nội sẽ không thể chỉ dựa vào lợi thế so sánh là giá để “so găng” trong cuộc đua này. Nhiều chuyên gia lo ngại, khối ngoại đang nắm trong tay bài toán giá sữa và sẽ lấy đó để thị uy ngay chính trên thị trường Việt Nam.
Với những chi phí đầu vào (điện, nước, lương nhân công) và biến động tỷ giá lớn, giá sữa trong nước thời gian tới có thể chưa được điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, còn hàng loạt các chi phí khác như: chi phí quảng cáo, trưng bày, chiết khấu đại lý… cũng “đè” lên giá thành sản phẩm sữa.
Trước đó, hồi năm tháng 9.2015, khi giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới đã giảm mạnh 12-20%, do nguồn cung sữa dư thừa thì thị trường sữa trong nước hầu như không có sự giảm giá nào, đặc biệt là những sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, vốn là mặt hàng được đưa vào danh mục bình ổn giá của Chính phủ. Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Hoài Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nếu như giá nguyên liệu nhập khẩu giảm thì giá sữa trong nước cũng phải giảm mới công bằng. Nếu không người tiêu dùng rất thiệt thòi!”.
Hãng nghiên cứu The Neilsen cho biết, trong ngân sách người tiêu dùng chi cho mặt hàng tiêu dùng ở thành thị thì sữa chiếm 32%. Điều này cho thấy, thị trường sữa Việt Nam có dư địa đủ lớn để các DN nội đủ bình tĩnh để tìm ra lợi thế của mình để cạnh tranh. Kết quả khả quan từ cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, thị trường sữa trong nước đang nhận được sự cộng hưởng tích cực từ phía người tiêu dùng.
Theo Báo Lao Động