Di sản mà ông Đặng Văn Thành để lại không chỉ là những doanh nghiệp lớn mạnh ông đã và đang tạo dựng mà còn là những bài học, kinh nghiệm mà ông chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam
Cơ nghiệp tạo dựng từ khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn tầm khu vực
Rời Sacombank sau 18 năm nắm giữ vị trí Chủ tịch, năm 2014 ông Đặng Văn Thành quay trở lại thương trường, với cương vị Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công. Tập đoàn này hiện có hơn 20 đơn vị thành viên, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: bất động sản, năng lượng, giáo dục, du lịch và nông nghiệp.
Với tâm huyết đưa thương hiệu mía đường Việt Nam vươn ra Động Nam Á, ông Thành là người trực tiếp khảo sát từng vùng nguyên liệu trong nước, rồi qua Thái Lan tìm hiểu quy mô và cách làm mía đường… Không chỉ chiếm lĩnh thị trường mía đường, ông Thành còn tham vọng sải bước thành công khi đưa Thành Thành Công tấn công lĩnh vực trồng, chế biến cà phê trong khu vực Đông Dương. Hiện Tín Nghĩa có 700ha cà phê chất lượng cao Arabica tại Lào. Doanh nghiệp này có kế hoạch trồng 3.000ha cà phê và xây dựng nhà máy chế biến tại Lào.
Tâm huyết với giới lãnh đạo doanh nghiệp
Những thành công kể trên không phải là tất cả về người doanh nhân tài đức này. Với hơn 30 năm kinh nghiệm ở vai trò “thuyền trưởng” tại nhiều doanh nghiệp, ông Thành luôn mong muốn chia sẻ với giới lãnh đạo, ban điều hành các doanh nghiệp những kiến thức và kinh nghiệm mà mình đúc rút được. Ông quan niệm đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì ông sẵn sàng làm.
Chia sẻ tại cuộc thi “Start-up Việt – Sải bước thành công”, theo ông Thành, người lãnh đạo tài năng phải là hạt nhân của những người tài, biết khơi gợi tinh thần trách nhiệm của cán bộ công nhân viên. Trau dồi khả năng hùng biện qua việc đọc sách. Nhắc đến tầm nhìn cho doanh nghiệp, ông Thành cho rằng: “Những doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia không được ăn xổi ở thì. Lợi nhuận là nhất thời, thị phần là vĩnh cửu. Mất tiền chưa là gì, mất tình mới mất một nửa, mất uy tín là mất hết. Nhận diện thương hiệu đòi hỏi giá trị thương hiệu. Dục tốc bất đạt, phải tự tin nuôi dưỡng, vun đắp cho thương hiệu. Thương hiệu không phải của mình đâu, mà của đất nước Việt Nam”.
“Cha đỡ đầu” của giới trẻ khởi nghiệp
Bên cạnh tạo dựng mạng lưới với những nhà lãnh đạo, ông Thành còn được xem là một cá nhân luôn nhiệt tình và dành nhiều tình yêu với giới trẻ khởi nghiệp. Ông luôn đưa ra những lời khuyên dành cho giới trẻ bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng thế hệ trẻ là những người nắm trong tay chìa khóa đưa nền kinh tế nước nhà đi lên.
Nhận định về cơ hội cho người trẻ, ông Thành cho rằng thế hệ của ông không có nhiều cơ hội học tập cao nhưng có cơ hội nhiều hơn trên thương trường. Hiện tại thế hệ trẻ có điều kiện tốt, tuy nhiên cần phải có phương pháp làm việc, có tinh thần cầu tiến với hoài bão lớn thì mới thành công. Ông từng chia sẻ “Chiến sĩ thời bình không được phép thất bại, còn nếu để rơi vào thất bại thì sẽ đối diện với thân bại, danh liệt. Dù khó khăn đến mấy thì người doanh nhân vẫn phải đứng lên và đi tiếp chứ không được cho phép mình kiệt sức hay dừng lại”.
Bộc bạch về bản lĩnh khác biệt khi dành nhiều thời gian và tâm trí với những bạn trẻ khởi nghiệp, ông Thành cho biết: “Kinh tế thị trường sẽ đào thải những người có lối sống thiển cận, kinh doanh chộp giật. Với tôi, nếu như lúc trẻ mình đầy nhiệt huyết, hào hứng bao nhiêu trong việc làm giàu thì bây giờ tôi muốn làm những việc mang tính cống hiến cho xã hội bấy nhiêu”.
Là một trong những doanh nhân xuất sắc “chinh chiến” trên nhiều lĩnh vực từ tài chính, nông nghiệp, bất động sản, năng lượng, giáo dục, đến du lịch, di sản mà ông Đặng Văn Thành để lại không chỉ là những doanh nghiệp lớn mạnh ông đã và đang tạo dựng mà còn là những bài học, kinh nghiệm mà ông chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.