Kinh doanh quốc tếThế giới
Điểm sáng bất ngờ của nền kinh tế già hóa: Nhiều người sẽ được tăng lương
Các nhà kinh tế học tại IMF cho biết có mối liên hệ giữa lạm phát, hay tăng giá trong vài năm tới với cơ cấu độ tuổi của dân số.
Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu cuối cùng đã có thể đưa tỷ lệ lạm phát tăng lên, nếu họ đủ kiên nhẫn để chờ.
Đó là bởi, thế hệ những người sinh ra sau Thế chiến thứ 2 đã sắp sửa đến tuổi về hưu, và điều này có thể dẫn đến điều mà chúng ta đều mong mỏi: đà tăng lương.
Maurice Obstfeld, cố vấn kinh tế kiêm giám đốc nghiên cứu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng tiền lương là nguyên nhân khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn nhằm tăng tỉ lệ lạm phát để bắt kịp các mục tiêu.
“Một trong những yếu tố lớn nhất và phổ biến nhất tác động đến lạm phát là tốc độ tăng lương chậm”, ông cho biết. “Nếu không có thêm áp lực về lương, sẽ rất khó để tăng tỷ lệ lạm phát. Và đó là những gì chúng ta đang thấy.”
Nhật Bản có thể là môi trường thử nghiệm thích hợp để xem liệu dân số già có kích thích mức độ tăng trưởng của lương hay không.
Tập đoàn tài chính Nomura nói rằng trong khi lực lượng lao động đã gia tăng đáng kể với sự góp mặt của những người làm việc ở nhà và người già kể từ năm 2012, thì với những người ở độ tuổi trên 70 thì tỉ lệ này vẫn không tăng nhiều.
Đây là một điều đáng lo vì ở Nhật Bản, những người sinh từ năm 1947 đến 1949 bắt đầu bước sang tuổi 70, và số lượng nhóm người này đủ lớn để gây ảnh hưởng đối với kinh tế xã hội.
“Chúng tôi nhận thấy một nguy cơ, đó là nếu không có sự tham gia vào lực lượng lao động của những người từ 70 tuổi trở lên, tốc độ thu hẹp cung cầu lao động có thể tăng lên vì nhiều người sẽ không đi làm nữa khi họ 70 tuổi. Và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên sẽ mang đến nhiều lo ngại.”
Nomura ước tính tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật có thể giảm 0,9% trong giai đoạn 2017-2019, và nếu tỷ lệ này giảm tới 2,0% thì dự kiến tiền lương có thể tăng khoảng 2,5% hàng năm.
Trong tháng 5 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật là 3,1%, tăng đột biến từ mức 2,8% của tháng 4.
Giá cả tăng cao có thể là tin vui cho các nhà hoạch định chính sách vì Nhật Bản vẫn đang phải vật lộn để đạt được mốc lạm phát 2%.
Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, 1/5 dân số (20%) có độ tuổi từ 60 trở lên và con số này được cho là sẽ tăng lên 25% vào năm 2030.
Xét trên phạm vi toàn cầu, con số hiện nay là 1/8 và dự tính sẽ tăng lên 1/6 vào năm 2030.
Theo dự tính đến năm 2030 số người hơn 60 tuổi trên toàn cầu sẽ nhiều hơn số trẻ trong độ tuổi từ 0-9. Mặc dù sẽ gây nhiều vấn đề cho các chính phủ khi phải chăm lo cho lượng dân số già nhiều hơn, nhưng các chuyên gia cho biết đây có thể là giải pháp cho tỷ lệ lạm phát trên toàn thế giới.
Các nhà kinh tế học tại IMF cho biết có mối liên hệ giữa lạm phát, hay tăng giá trong vài năm tới với cơ cấu độ tuổi của dân số.
“Tỷ lệ người trẻ và người già càng cao trong tổng dân số, thì mức lạm phát càng cao. Nói cách khác, khi dân số ở độ tuổi lao động càng cao thì tỷ lệ lạm phát càng thấp.”
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC