CEO Thế giớiNhân vật

John Cryan và sứ mệnh Hercules tại Deutsche Bank

Hồi tháng 1, Deutsche Bank cho biết đã lỗ 6,8 tỉ euro (7,6 tỉ USD) vào năm ngoái, mức lỗ hằng năm lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Vào ngày đầu tiên giữ vị trí đồng CEO tại Deutsche Bank, John Cryan đã gửi một lá thư đến cho nhân viên, thừa nhận những “thách thức cam go” mà ngân hàng Đức này đang đối mặt. “Tôi không nói với các bạn rằng tất cả sẽ màu hồng và sáng sủa trong những tháng tới, mà sẽ có nhiều thăng trầm”, ông viết.

Nhưng 9 tháng sau đó, nhân viên và nhà đầu tư chỉ thấy nhiều “trầm” mà chẳng có “thăng”. Hồi tháng 1, Deutsche Bank cho biết đã lỗ 6,8 tỉ euro (7,6 tỉ USD) vào năm ngoái, mức lỗ hằng năm lần đầu tiên kể từ năm 2008. Một đợt bán tháo vào tháng 2 đã buộc Deutsche Bank phải trấn án các quỹ đầu cơ rằng Ngân hàng sẽ không trễ hạn thanh toán một số khoản nợ. Giá cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm hơn 30% từ đầu năm đến nay so với mức 20% của chỉ số Stoxx Europe 600 Banks Index.

Tại một hội nghị các nhà đầu tư vào đầu tháng 3 vừa qua, Cryan đã không xua tan được không khí ảm đạm bao trùm. “Vấn đề của chúng ta vẫn còn đó và sẽ còn tiếp tục trong một khoảng thời gian nữa, khả năng sinh lời giảm. Có nhiều thứ chúng ta phải làm cho xong trong năm nay, vì thế năm nay sẽ không có lời”, ông nói.

Bối cảnh chung cũng không “ủng hộ” cho công cuộc cải tổ của Cryan tại Deutsche Bank khi ngành ngân hàng đầu tư châu Âu đang đối mặt với những thách thức lớn. Có nhiều mối lo ngại về việc nền kinh tế đi vào suy thoái, giá cả hàng hóa sụt giảm, lãi suất về mức thấp kỷ lục, các quy định khắt khe hơn, các cuộc điều tra chính phủ vẫn tiếp diễn cũng như những hoài nghi về khả năng tạo ra lợi nhuận ổn định của ngành ngân hàng.

Khó chồng khó

Theo nhận định của các nhà đầu tư, các nhà điều hành chính sách, chuyên gia phân tích và một số người trong ngành ngân hàng, Deutsche Bank lần lữa khi đối phó với 2 cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và châu Âu trong thập niên qua. Họ cho rằng sau cuộc tăng trưởng thần tốc, Deutsche Bank đã chậm chạp trong việc củng cố tình hình tài chính trong khi các đối thủ Mỹ đã thực hiện các cuộc tái cấu trúc đau đớn để trở nên tinh gọn và bứt phá nhanh hơn.

Giờ Deutsche Bank đang phải chạy tăng tốc để có thể bắt kịp các đối thủ. Các nhà điều hành chính sách và nhà đầu tư muốn Deutsche Bank phải tăng cường lớp đệm tài chính, “tinh gọn” bảng cân đối kế toán đang phình to và giải quyết dứt điểm các cuộc điều tra của Chính phủ và các vụ kiện tụng đang làm mờ mịt triển vọng của ngân hàng này.

Các ngân hàng châu Âu khác cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Giá cổ phiếu của Credit Suisse Group đã giảm sau khi Ngân hàng tiết lộ doanh thu giao dịch tại bộ phận ngân hàng đầu tư sa sút và khoảng 2.000 việc làm trong mảng giao dịch sẽ bị cắt giảm.

Các cơ quan quản lý đang buộc các ngân hàng châu Âu phải tăng vốn và giảm phụ thuộc vào vay nợ. Trong điều kiện các thương vụ đang ế ẩm, doanh thu giao dịch suy yếu và ngân hàng trung ương các nước châu Âu đang đưa lãi suất về mức âm thì những việc này sẽ càng gây khó cho các ngân hàng.

Deutsche Bank là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới. Năng lực tài trợ vốn của ngân hàng này cho các doanh nghiệp và các thị trường tác động đến toàn bộ nền kinh tế châu Âu. Do đó, quy mô và phạm vi toàn cầu của Deutsche Bank, tốc độ thay đổi chậm trong nội bộ cùng với nhiều vụ dàn xếp với quan chức chính phủ về thao túng lãi suất và các vấn đề khác đã khiến Ngân hàng trở thành nỗi lo ngại chính của nhà đầu tư.

John Cryan va su menh Hercules tai Deutsche Bank
Diễn biến giá cổ phiếu của Deutsche Bank

Cryan, cựu Giám đốc Tài chính tại UBS Group (Thụy Sĩ) và các nhà điều hành khác đã ra sức trấn an nhà đầu tư và nhân viên rằng  mặc cho những biến động vừa qua, Deutsche Bank vẫn có nền tảng vốn vững chắc và một kế hoạch khả thi để tinh gọn và ổn định các lĩnh vực hoạt động, nhưng ông dự kiến phải mất thêm 2 năm chỉnh đốn nữa thì mọi việc mới quay trở lại bình thường. Ngân hàng cũng cho biết sắp tới sẽ cắt giảm hàng ngàn việc làm.

Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ, Deutsche Bank sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn hầu hết các đối thủ, với khoảng 61 USD vay nợ trên mỗi 1 USD vốn chủ sở hữu. Con số này so với tỉ lệ 39:1 đối với một ngân hàng châu Âu trung bình và 13:1 đối với một ngân hàng Mỹ trung bình, theo phân tích của Autonomous Research.

Kể từ đó, Deutsche Bank đã giảm sử dụng đòn bẩy còn 21 USD trên mỗi 1 USD vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn còn cao hơn mức trung bình 18:1 của các ngân hàng châu Âu và 12:1 của các ngân hàng Mỹ, theo Autonomous. Điều đó gây áp lực lên Deutsche Bank phải cắt giảm thêm chi phí, bán nhiều tài sản hơn hoặc phải huy động thêm vốn.

“Cryan đang làm tất cả những gì có thể nhưng cái ông cần là một thị trường mà tại đó ông có thể triển khai các kế hoạch của mình. Những ngân hàng có sử dụng đòn bẩy nhiều nhất, bao gồm cả Deutsche, sẽ chật vật trong môi trường này”, James Chappell, chuyên gia phân tích ngân hàng châu Âu thuộc ngân hàng Đức Berenberg, nhận xét.

Để hiểu rõ vấn đề tại Deutsche Bank, cần truy lại những quyết định được đưa ra từ trước cuộc khủng hoảng tài chính. Dưới thời của cựu CEO Josef Ackerman và “phó tướng” Anshu Jain, Deutsche Bank đã xây dựng một đế chế, chủ yếu tại London và New York, tập trung vào mảng giao dịch chứng khoán và các hoạt động ngân hàng đầu tư khác. Mục tiêu là tạo ra một gã khổng lồ châu Âu có thể cạnh tranh với các ông lớn ở Phố Wall.

Deutsche Bank đã sống sót qua giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngân hàng này đã không phải nhờ đến tiền cứu nguy của Chính phủ Đức. Và khi các đối thủ của nó loạng choạng, Deutsche Bank đã ra sức phô trương thanh thế, “khoe” tình hình tài chính nổi bật của ngân hàng mình trước các khách hàng tiềm năng.

Khi vòng xoáy khủng hoảng tài chính châu Âu trở nên mạnh mẽ vào năm 2010, người ta cũng bắt đầu đặt những câu hỏi lớn về việc liệu Deutsche Bank có đủ vốn để “gánh” nổi các khoản lỗ trong tương lai, trong khi các đối thủ của nó, vốn được sự cứu nguy của chính phủ, lại không vấp phải những lo ngại này. Tuy nhiên, Deutsche Bank đã tăng cường mảng bán lẻ của mình tại thị trường nội địa bằng cách bỏ ra hơn 6 tỉ euro mua lại tổ chức cho vay Đức Postbank, một thương vụ được tài trợ vốn bằng phát hành cổ phiếu.

Sau khi Jain và Jürgen Fitschen thay Ackerman giữ vị trí đồng CEO vào tháng 5.2012, họ đã tăng cường vốn của Ngân hàng đủ để vượt qua mức tối thiểu theo quy định, nhưng không đủ để trấn an nhiều nhà đầu tư. Cuối cùng Ngân hàng đã phát hành cổ phiếu để huy động hơn 11 tỉ euro trong 2 đợt phát hành vào năm 2013 và 2014.

Khi các yêu cầu về vốn của cơ quan quản lý trở nên khắt khe hơn, Deutsche Bank và một số đối thủ châu Âu buộc phải tăng vốn mạnh hơn nữa. Deutsche Bank không muốn phát hành thêm cổ phiếu mới, do e ngại làm pha loãng cổ phiếu. Vì thế, họ đã quay sang một loại công cụ tài chính mới là trái phiếu chuyển đổi CoCos. Đơn vị phát hành trái phiếu này vẫn phải trả lãi cho người mua trái phiếu nhưng trái phiếu sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu nếu đơn vị phát hành gặp vấn đề. Deutsche Bank đã bán khoảng 5 tỉ USD giá trị trái phiếu tương tự như CoCos gọi là AT1.

Vào tháng 9.2014, ban giám sát của Ngân hàng đã họp chiến lược hằng năm tại một khu du lịch golf ở Bavarian Alps. Theo những người biết rõ cuộc họp này, Cryan, người đã tham gia vào ban giám sát Deutsche Bank vào năm 2013, đã nêu lên một vấn đề: Liệu Ngân hàng thực sự có đủ vốn để theo đuổi chiến lược duy trì vị thế trong mảng giao dịch trong khi các ngân hàng khác đang từ bỏ mảng này?

Theo những nguồn tin trên, quan điểm của Jain là Deutsche Bank hoàn toàn làm được nếu Ngân hàng triển khai tốt. Cryan thì không bị thuyết phục. Ông cho rằng các quy định nghiêm ngặt hơn đã khiến cho Ngân hàng càng khó kiếm ra tiền hơn và điều đó có thể khiến cho vốn trở nên không đủ.

Càng về sau, Hội đồng Quản trị ngày càng “phật ý” với Jain khi ông hay làm nổi bật các tin tốt lên trong khi làm nhẹ các tin xấu như chi phí cao của Ngân hàng, theo một nguồn tin thân cận. Các thành viên Hội đồng Quản trị biết các cơ quan quản lý Đức cũng ngày càng khó chịu, theo những nguồn tin khác.

Tại cuộc họp hằng năm của Ngân hàng tại Frankfurt vào tháng 5 năm ngoái, chỉ 61% cổ đông có mặt bỏ phiếu thuận đối với tình hình làm việc của ban điều hành. Đầu tháng đó, các cơ quan quản lý ngành ngân hàng Đức đã đưa ra một báo cáo tuyệt mật chỉ trích Jain và nhiều nhà điều hành dưới trướng khác vì cho phép những hành vi sai trái xảy ra liên quan đến vụ lãi suất Libor. Tháng 6 năm đó, Ngân hàng tuyên bố Cryan sẽ thay Jain. Fitschen sẽ từ chức vào tháng 5 này và Cryan sẽ trở thành CEO duy nhất của Deutsche Bank.

Thách thức của Cryan

Khi được giao trọng trách lớn tại Deutsche Bank, Cryan đã thay nhiều cấp phó dưới trướng của Jain, một số người trong đó có tên trong bản báo cáo “kể tội” nói trên của cơ quan quản lý Đức. Ông cũng nói rõ kế hoạch “tỉa tót” các bộ phận kinh doanh lớn, trong đó có việc tìm cách bán đi Postbank. Ông cho biết Ngân hàng sẽ rời khỏi một số thị trường nước ngoài và sẵn sàng từ bỏ một số khách hàng.

Ông đã đặt ra các mục tiêu mới trong việc tăng cường vốn cho Ngân hàng và giảm lệ thuộc vào vốn vay. Cryan cũng đã hoãn chia cổ tức hằng năm, cam kết giảm mạnh tiền thưởng của các nhà điều hành và ủng hộ hoàn toàn việc không thưởng năm 2015 đối với ban điều hành. Ông cũng đã giảm mạnh số xe sedan Mercedes-Benz dòng S màu đen hay đưa các nhà điều hành cấp cao đi vòng quanh Frankfurt, theo những nguồn tin thân cận với vụ việc. Ông cũng đã hủy hợp đồng máy bay riêng với NetJets, đồng thời ngưng các dịch vụ sân bay VIP mà nhiều năm trời đã “hộ tống” các nhà điều hành qua các khâu kiểm tra an ninh dễ dàng và lên các chiếc xe có tài xế riêng.

Dù cho những nỗ lực này, diễn biến kinh tế chung đã khiến cho Cryan gặp nhiều thách thức. Việc các ngân hàng trung ương châu Âu ra sức kích thích kinh tế bằng cách đưa lãi suất về mức âm đã khiến cho Deutsche Bank và các ngân hàng khác càng khó khăn hơn trong việc đẩy mạnh doanh thu. Lãi suất âm có nghĩa là các ngân hàng phải trả tiền khi gửi tiền tại ngân hàng trung ương. Đồng thời, họ gặp khó trong việc “chuyển” phần lãi suất âm này sang cho người gửi tiền vào ngân hàng họ. Lãi suất thấp cũng ăn vào lợi nhuận của các bộ phận cho vay lớn.

Ngày 8.2 vừa qua là ngày khó quên với Deutsche Bank. Cổ phiếu giảm mạnh tới 9,5% vào ngày thứ Hai hôm đó. Các nhà đầu tư cũng bán ra loại hình nợ mới mà Deutsche Bank phát hành – trái phiếu AT1, vì lo ngại Ngân hàng có thể không trả lãi đúng hạn.

Trong tuần đó, nhiều tỉ USD tiền mặt và chứng khoán đã chảy ra khỏi bộ phận nhà môi giới chính của Deutsche Bank (bộ phận cung cấp những dịch vụ tài chính đặc biệt cho những khách hàng đặc biệt, như cho vay chứng khoán, quản lý tiền…), theo những nguồn tin thân cận với vụ việc. Đây là một dấu hiệu cho thấy các quỹ đầu cơ lo lắng về khả năng duy trì sự ổn định của Ngân hàng. Elliot Management Corp. và Lansdowne Partners mỗi công ty đã rút hàng trăm triệu USD giá trị tài sản khỏi tài khoản nhà môi giới chính của mình, theo các nguồn tin trên.

Trước tình hình này, Cryan đã ra sức trấn an các nhà quản lý tài sản lớn. Ông nói ông chẳng bao giờ lún sâu vào các chứng khoán nợ mà ông cho là “mối hiểm họa”. Ông cũng đã tuyên bố các kế hoạch mua lại tới 5,4 tỉ USD các trái phiếu khác để chứng tỏ rằng Ngân hàng không gặp rắc rối về tài chính.

Cryan và Giám đốc Tài chính Marcus Schenck đã nói chuyện riêng với các nhà đầu tư và khách hàng rằng phản ứng thị trường gần đây là hơi thái quá. Ngân hàng đã công bố bài thuyết trình dài 13 trang cho các đối tác kinh doanh của mình trong đó nhấn mạnh Deutsche Bank là một “tổ chức tài chính mạnh hơn trước thời kỳ khủng hoảng”. Cổ phiếu của Deutsche Bank đã tăng trở lại, nhưng diễn biến chung từ đầu năm nay vẫn theo đà đi xuống. Rõ ràng, Cryan có nhiều việc phải làm để thuyết phục nhà đầu tư.

Ngô Ngọc Châu/NCĐT

Nguồn WSJ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close