Kinh doanh quốc tếThế giới

Nhờ FTA, Hàn Quốc dẫn đầu “cuộc đua tam mã” về FDI ở Việt Nam

Bất chấp có sự rượt đuổi sát của Nhật Bản và Singapore, Hàn Quốc vẫn là nước rót vốn đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay.

Nhờ FTA, Hàn Quốc dẫn đầu “cuộc đua tam mã” về FDI ở Việt Nam Hàn Quốc duy trì vị trí quán quân về FDI tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 8 tháng năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết của cả nước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, trong tháng 8, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký rót thêm 1,43 tỷ USD vào Việt Nam.

Ước tính đến ngày 20/8/2017, các dự án FDI đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Số tiền giải ngân trong tháng 8 đạt 1,25 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.624 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,45 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, có 773 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp nước ngoài có 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần tại các công ty trong nước, với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỷ USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ 2016.

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 11,69 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,36 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc cam kết đầu tư 6,02 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư, qua đó giữ vững ngôi đầu.

Cuộc rượt đuổi giành “ngôi vương FDI” tại Việt Nam diễn ra sít sao giữa 4 nước châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore. Từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc đã 3 lần để tuột vị trí đứng đầu trong các tháng Giêng, Hai và Sáu vào 3 nước còn lại.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, với lộ trình giảm thuế theo cam kết của Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), có hiệu lực từ tháng 12/2015, và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như ngành năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI trong nhiều năm tới.

Trong 8 tháng đầu năm nay, Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,74 tỷ USD, chiếm 24,58% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ ba với 3,92 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh thành phố, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với tổng số vốn đăng ký 3,3 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư.

Thanh Hóa đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,06 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,05 tỷ USD chiếm 13% tổng vốn đầu tư.

MINH TUẤN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close