Mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu được Ngân hàng Thế giới đưa ra hôm thứ Ba (10/1) giảm xuống còn 2,7% so với hồi tháng 6/2016 do những lo ngại về chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch trong nước và bất ổn trong chính sách kinh tế của Mỹ và Anh.
Trước đó hồi tháng 6/2016, Ngân hàng Thế giới đưa ra mức dự báo tăng trưởng năm 2017 sẽ đạt 2,8% trong khi tăng trưởng năm 2016 chỉ đạt 2,3%- mức thấp so với thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tuy nhiên, sau một loạt những biến động về chính trị, kinh tế đặc biệt là sự kiện Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ, Ngân hàng Thế giới giảm mức dự báo xuống còn 2,7%.
Bất chấp dự báo ảm đạm đó, người dân Mỹ vẫn lạc quan về những chính sách mà ông Trump sẽ thực hiện tới đây sau khi chính thức bước vào Nhà Trắng. Thị trường chứng khoán khởi sắc kể từ khi cuộc bầu cử kết thúc trong khi lòng tin của người dân và chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp cũng tăng theo.
Nhiều nhà đầu tư tin tưởng rằng ông Trump sẽ giữ lời hứa cắt giảm thuế, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, ông còn đưa ra những cảnh báo đối với các đối tác lớn của nước Mỹ rằng sẽ mạnh tay nâng hàng rào thuế quan nếu việc làm không quay trở lại với người Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chính lập trường này đã đặt Mỹ và các đối tác lớn trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Thế giới còn cảnh báo những chính sách của ông Trump ẩn chứa nhiều mối nguy hại cho nền kinh tế Mỹ đặc biệt là tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA vì theo ông hiệp định này không phục vụ lợi ích của nước Mỹ.
Đại diện phía Ngân hàng Thế giới còn cho rằng nếu thực hiện các chính sách đối ngoại trên, việc rút khỏi một loạt những hiệp định thương mại hoặc nâng hàng rào thuế quan có thể dẫn tới hành động trả đũa gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Mỹ. Chính những bất ổn trong chính sách kinh tế của ông Trump là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia không mấy lạc quan về khả năng tăng trưởng của nước Mỹ trong năm nay với mức dự báo chỉ đạt 2,2%.
Ngoài ra cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế lớn như Nga, Brazil và Argentina được kỳ vọng sẽ kết thúc trong năm 2017. Mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều năm bước đi chậm chạp kể từ thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011 giảm xuống còn một nửa so với tháng Sáu năm ngoái xuống mức 0,9%. Trong khi Ngân hàng cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại xuống còn 6.5% và coi đây là mức tăng trưởng “an toàn” đối với quốc gia đang phát triển nóng này.
Theo Thời Đại