Câu chuyệnCEO ViệtDoanh nghiệpKinh doanhNhân vật

Ông Lê Viết Hiếu – CEO Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: “Tôi lãnh đạo công ty bằng cách đưa ra những câu hỏi”

Tân CEO Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hiếu lạc quan cho rằng, Covid-19 khiến doanh nghiệp, trong đó có Hòa Bình đều gặp khó, nhưng lại là cơ hội để sắp xếp và tối ưu hóa bộ máy, từ đó sẽ làm cho công ty phát triển tốt hơn.

Trước khi phỏng vấn Lê Viết Hiếu – tân CEO Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tôi đã hỏi doanh nhân Lê Viết Hải về lý do ông chuyển giao vị trí này cho Lê Viết Hiếu, con trai thứ hai. Ông Lê Viết Hải cho biết, Hiếu được đề bạt vào vị trí CEO của Hòa Bình để thay thế ông bởi vì Hiếu kiên trì, kiên định, có kiến thức kinh doanh. Riêng tôi, lần đầu gặp Lê Viết Hiếu đã cảm nhận được sự cởi mở và tố chất lãnh đạo của vị CEO này.

* Tiếp nhận vị trí CEO của Hòa Bình trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, ông có cảm thấy bị áp lực? 

– Đại dịch Covid-19 làm cho doanh nghiệp gặp khó giống nhau, như doanh thu giảm, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoàn toàn hay một phần sản xuất, kinh doanh. Khi nhiều việc, cán bộ cũng như nhân viên có tâm lý công ty đang ổn, công việc chạy bình thường, không cần phải thay đổi, nhưng khi công ty gặp khó, thị trường gặp khó thì lại nhìn thấy nhiều bất cập, phải thay đổi để việc sản xuất, kinh doanh phát triển tốt hơn.

CEO Lê Viết Hiếu cho rằng: "Khi mình trẻ thì học hỏi kinh nghiệm dễ hơn và được người khác chia sẻ dễ dàng hơn".

Ông Lê Viết Hiếu – CEO Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho rằng: “Khi mình trẻ thì học hỏi kinh nghiệm dễ hơn và được người khác chia sẻ dễ dàng hơn”.

Nói một cách lạc quan, đó là một lợi thế mà Covid-19 đem lại cho Hòa Bình. Tôi đã làm việc tại Hòa Bình bốn năm, trước khi được giao trọng trách điều hành tập đoàn, nên biết được đâu là những điểm bất cập, chỗ nào hiệu quả, cần phát huy. Thời điểm này là thời điểm tốt để tối ưu hóa bộ máy. Nên tôi thấy công việc cũng nhẹ nhàng.

* Tại lễ chuyển giao thế hệ, ông khẳng định, với một số người, vị trí CEO sẽ có nhiều áp lực, nhưng với ông áp lực hay không còn do nhìn nhận của mỗi người. Ông cho rằng bản thân đang ở vị trí thuận lợi để phát triển mà bao người mong muốn mà không có được. Đó có phải do Lê Viết Hiếu là con trai của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, người nắm vị trí CEO hơn ba thập kỷ?

– Khi có người cha đã dẫn dắt Hòa Bình đi đến đỉnh cao như ngày hôm nay, bất cứ người con nào cũng cảm thấy mình khó vượt qua được cái bóng của ông. Áp lực nữa là kỳ vọng của mọi người dành cho mình và mong muốn của chính mình để chứng minh năng lực. Nếu như mình để áp lực ảnh hưởng tới suy nghĩ, cách mình làm việc thì sẽ không bao giờ thành công. Việc mình ở dưới bóng của người cha có thể là mãi mãi. Nhưng điều quan trọng là mình làm được gì, cống hiến như thế nào, tập đoàn phát triển như thế nào. Đó mới là thứ mà tôi hướng tới.

* Khi được gia đình đưa ra nước ngoài học, Lê Viết Hiếu mong muốn khi trở về sẽ bắt đầu làm việc ở Tập đoàn Hòa Bình với vị trí công nhân. Nhưng  rồi ông không chọn Hòa Bình để đầu quân mà chọn một ngân hàng nước ngoài…

– Được tiếp xúc với môi trường xây dựng từ khi còn nhỏ, tôi có cơ hội nhìn thấy người công nhân, nhìn thấy anh kỹ sư, nhìn thấy điều kiện làm việc ở công trường. Nếu như mình không có thực tế thì sẽ không hiểu được người ta vất vả như thế nào. Ý tưởng hồi xưa tôi muốn làm công nhân một thời gian sau khi học ở nước ngoài về là vì vậy.

Năm 2012, tôi thực tập ở một công trường xây dựng của ba tôi, khoảng ba tháng. Lên công trường, tôi đi theo các kỹ sư, được các anh chỉ cho đọc bản vẽ, chỉ cho từng loại thép, cách dựng giàn giáo, cách làm cốt pha… Trải nghiệm đó tạm đủ để tôi hiểu công việc trên công trường. Nhưng tôi nghĩ trước khi trở thành người của Hòa Bình, mình phải làm việc cho một doanh nghiệp FDI để học hỏi kinh nghiệm quản lý. Bởi khi thực tập tại Hòa Bình, tôi vẫn là người trong nhà, mọi người đối xử với tôi với tư cách là con của Chủ tịch Lê Viết Hải, nên tôi không cảm nhận được đúng nghĩa một nhân viên.

Tôi luôn muốn có một người sếp chỉ bảo và mình học hỏi từ người đó. Từ đó, tôi nhận ra người sếp tốt sẽ như thế nào, một nhân viên thì như thế nào, tâm lý ra sao, quan tâm hay lo lắng điều gì.

Khi học hỏi được cách quản trị của doanh nghiệp nước ngoài, tôi hiểu nhiều hơn về chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa. Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải muốn đưa Hòa Bình ra làm ăn ở nước ngoài. Và cách tốt nhất muốn đưa tập đoàn ra nước ngoài là phải học hỏi cách làm việc từ những công ty nước ngoài. Tôi học tài chính, nên càng muốn hiểu hơn về quản lý, sử dụng tài chính của các công ty đa quốc gia. Tôi làm việc trong một ngân hàng, cụ thể là trong khối cho vay doanh nghiệp. Từ đó, học hỏi được rất nhiều về cách đầu tư tài chính. Với thị trường tài chính, Hòa Bình không có nhiều kinh nghiệm bằng ngành xây dựng, nên tôi làm việc tại ngân hàng với tư cách một nhân viên thẩm định để sau này mang lại nhiều giá trị hơn cho Hòa Bình.

* Khi về làm việc cho Hòa Bình, được giao phụ trách mảng thị trường nước ngoài và sau đó đi Myanmar, rồi lại được điều ra phụ trách chi nhánh ở phía Bắc, vậy có khó khăn gì không với một người trẻ như ông? 

– Khó khăn thì rất nhiều, nhưng nhìn lại tôi thấy mình là nhân sự được trải nghiệm nhiều nhất ở Hòa Bình. Giá trị lớn nhất mà sự trảỉ nghiệm đó mang lại là kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh và những mối quan hệ. Tôi biết rõ nhân sự và địa lý ở các nơi mà Hòa Bình có mặt, hiểu cái khó, hiểu những vấn đề mà tập đoàn phải giải quyết. Từ đó, tôi mong muốn mình là chất keo gắn kết mọi người. Theo tôi, chỉ khi mọi người thoải mái chia sẻ thông tin với nhau, mọi người làm việc trên tinh thần xây dựng, đóng góp và biết rằng những đóng góp đó được xem xét một cách thấu đáo thì công ty sẽ là một khối thống nhất, ăn nên làm ra.

anh-2-6345-1614315381.jpg

* Doanh nhân Lê Viết Hải chia sẻ, ông được chọn làm CEO vì có sự kiên trì, kiên định, có kiến thức kinh doanh. Ông nghĩ sao về nhận xét ấy? 

– Kiên trì thì tôi có. Khi đã bắt tay vào việc gì, tôi luôn làm cho bằng được. Tôi có tính kiên định nhưng không cố chấp. Tôi kiên định, nhưng khi cảm thấy quyết định của mình, ý kiến của mình, suy nghĩ của mình chưa hoàn thiện, được người khác góp ý, tôi vẫn nghe. Tôi biết mình không thể là chuyên gia trong mọi lĩnh vực được. Có những sự việc người khác nhìn thấy và mình không nhìn thấy.

* Hòa Bình là một công ty cổ phần, việc ông được bổ nhiệm vào vị trí CEO có gặp “điều ra tiếng vào” không, thưa ông?  

– Khi xem xét bổ nhiệm CEO, Ban giám đốc, Hội đồng quản trị tập đoàn đã đưa ra nhiều phương án, trong đó đã kêu gọi những người nghĩ mình có đủ năng lực và mong muốn ứng cử cho vị trí đó. Cuối cùng Hội đồng quản trị chốt lại và chọn tôi làm CEO vì có thể gắn bó lâu dài với tập đoàn, xem tập đoàn như gia đình của mình. Tất nhiên, họ cũng thấy những nỗ lực, cách mà tôi đã xử lý công việc ở các vị trí đã kinh qua tại Hòa Bình. Lúc được đề cử vị trí này, tôi cũng chưa nghĩ là mình đã sẵn sàng. Sau một thời gian củng cố tinh thần, củng cố niềm tin, tôi quyết định nhận trọng trách này và sẽ làm hết sức, không để ai thất vọng.

* Điều hành trong ngành xây dựng được cho là không giống các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là phần đối nhân xử thế, kiến thức chỉ là phụ, kinh nghiệm mới quan trọng và điều này với một doanh nhân trẻ như Lê Viết Hiếu sẽ là một thách thức, ông nghĩ sao về nhận định này? 

– Thật sự nhận xét này là rất chính xác. Trong ngành xây dựng, tôi phải làm việc với nhiều người ở các vị trí khác nhau. Nhưng tôi nghĩ tuổi trẻ cũng là một điểm mạnh. Khi mình trẻ thì học hỏi kinh nghiệm dễ hơn và được người khác chia sẻ dễ dàng hơn. Tôi rất thích làm việc và học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Đa số bạn của tôi đều từ 40 tuổi trở lên, người là doanh nhân ngành khác, người đã làm việc lâu trong ngành xây dựng. Và may mắn là tôi rất hợp với người lớn tuổi. Khi làm việc với người lớn tuổi, tôi được học ở họ cách nhìn nhận vấn đề đa chiều. Về tuổi thì đúng là mình trẻ, nhưng tôi cố gắng bù đắp sự thiếu kinh nghiệm bằng cách tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước.

* Doanh nhân Lê Viết Hải từng chia sẻ khát vọng về việc Hòa Bình xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài. Ông sẽ tiếp nối tham vọng này của người cha như thế nào? 

– Xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra thế giới là định hướng đúng. Tôi mong muốn thực hiện càng sớm càng tốt, nhưng phải cẩn trọng từng bước, từ pháp lý, tài chính cho đến hiệu quả kinh doanh lâu dài. Hòa Bình là công ty đại chúng nên phải bảo vệ cổ đông. Tôi sẽ tìm nhân sự cho phù hợp, đào tạo họ, tái cấu trúc như thế nào cho hiệu quả hơn, để nó phù hợp với mô hình công ty đa quốc gia. Nếu không tìm được người để tuyển vào công việc ấy thì phải đào tạo từ tập đoàn. Tôi từng phụ trách mảng thị trường nước ngoài nên hiểu những vấn đề cần phải giải quyết và tin rằng sẽ giải quyết được.

Tôi không muốn lãnh đạo công ty bằng cách đưa ra định hướng mà muốn bằng cách “hỏi”. Tôi đặt câu hỏi: Hòa Bình đang đứng ở đâu và Hòa Bình nên đi về đâu? Và Ban lãnh đạo Hòa Bình phải thống nhất quan điểm để cùng nhau đưa tập đoàn về hướng đã chọn. Nhân sự tại Hòa Bình là bộ mặt của Hòa Bình chứ không phải chỉ CEO. Khi chủ đầu tư làm việc với Hòa Bình, họ không phải làm việc với thương hiệu Hòa Bình mà làm việc với con người của Hòa Bình. Con người vẫn là mấu chốt nên tôi sẽ tập trung phát triển nhân sự tốt nhất cho Hòa Bình.

anh-3-6691-1614315381.jpg

* Trong ngắn hạn, mục tiêu ông hướng đến cho Hòa Bình là gì?

– Thị trường xây dựng đang cạnh tranh rất khốc liệt, Hòa Bình phải mang lại những giá trị mới cho khách hàng. Ngoài những giá trị về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ, Hòa Bình phải có thêm giá trị cộng hưởng liên quan trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư cả về chi phí xây dựng, cả về lợi nhuận. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, nghiên cứu phát triển, chúng tôi tập trung đẩy Hòa Bình hướng tới giá trị cao hơn, mang lại giá trị cộng hưởng cao hơn cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà.

Hiệu quả cộng thêm đó chỉ có được khi Hòa Bình cấu trúc lại bộ máy. Trong đó, mỗi người phải đa nhiệm hơn, hệ thống phải tinh gọn hơn, làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt, tài chính phải được củng cố, phải mạnh hơn. Vì Covid-19 nên sức mua nhà giảm, người mua người thuê cũng giảm… Việc Hòa Bình phải làm là chuẩn bị phương án sẵn sàng đối phó và thị trường “rục rịch” điều gì, phải tính phương án đối phó ngay.

* Nhận lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình chưa lâu, nhưng cho tới nay, phản ứng của nhân viên, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc đối với tân CEO, ông cảm nhận như thế nào? 

– Thời gian đầu không tránh khỏi có người nghi ngờ khả năng của một CEO mới. Nhưng chỉ chưa đầy hai tháng sau thì họ đã biết cách tôi điều hành doanh nghiệp. Trước khi ra một quyết định, tôi thường hỏi ý kiến nhiều người và nghe họ một cách chọn lọc. Khi chắt lọc được ý kiến hay, cùng với trải nghiệm của mình, tôi mới đưa ra quyết định để được sự đồng thuận cao nhất. Mọi người đều ủng hộ cách điều hành đó.

* Cảm ơn về những chia sẻ cởi mở và chúc ông chèo lái con thuyền Hòa Bình vươn khơi ngày một xa! 

Ngọc Lý

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close