Cách sốngSống

Tư duy nhổ cỏ: Người thành công và kẻ thất bại hơn nhau ngay cả trong những chuyện nhỏ nhất

Để thành công hay đạt được tới đỉnh cao, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo cho rằng cần phải luôn làm việc và sống với tư duy của một người chủ.

Tư duy nhổ cỏ: Người thành công và kẻ thất bại hơn nhau ngay cả trong những chuyện nhỏ nhất

Từ câu chuyện nhổ cỏ

Những ai lớn lên ở thành phố sẽ không biết được điều này, nhưng có một loại cỏ mọc cùng với lúa, cho nên ở nông thôn, người ta phải nhổ cỏ trên cánh đồng để lúa có thể mọc. Nông dân sẽ bảo tá điền đi nhổ cỏ trên cánh đồng, và tá điền sẽ đi và làm việc cả ngày.

Nhưng nếu người nông dân đi thăm ruộng vào ngày hôm sau, người đó sẽ vẫn thấy cỏ. Ông ấy có thể cử tá điền đi hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn sẽ luôn có cỏ mọc cho tới khi người nông dân phải đích thân ra và nhổ cỏ.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì người nông dân, vốn là chủ ruộng lúa, rất quan tâm đến đất đai của mình. Nhưng người tá điền thì không có mối quan tâm đó vì đó không phải là đất của anh ta. Vì người nông dân là chủ, ông ấy chủ động làm mọi cách để chăm chút cho đất đai của mình.

Ông ấy không tự hỏi mình tại sao ông ấy phải đi làm mọi việc khi mà những người khác không chịu làm. Ông ấy biết mình phải làm gì mà không cần ai nói với ông ấy. Tuy nhiên, người tá điền thì không tìm việc để làm. Nếu không ai bảo anh ta phải làm gì thì anh ta không làm gì cả. Anh ta mặc kệ mọi việc.

Rõ ràng có sự khác biệt trong suy nghĩ của một chủ ruộng và một tá điền. Nếu nghiên cứu kỹ sự suy tàn của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều điều liên quan đến những suy nghĩ mà nhà sáng lập tập đoàn Daewoo đang nói đến: Hầu hết mọi người đều là tá điền.

Cuộc đời khác nhau ở tư duy

Nếu nhìn ra xung quanh, sẽ không hiếm những người trẻ không chỉ làm những gì họ phải làm mà còn làm cho người khác mà không cần phải bảo. Và ngược lại trên đời cũng có những người không làm công việc của mình trừ khi được bảo, nói gì đến làm công việc của người khác. Một lần nữa, có thể thấy sự khác biệt trong tư duy người làm chủ và tư duy tá điền. Để thành công hay đạt được tới đỉnh cao, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo cho rằng cần phải luôn làm việc và sống với tư duy của một người chủ.

Người có tư duy như vậy không ngại hoàn cảnh. Người đó sáng tạo, người đó đương đầu với mọi việc và người đó tràn đầy quyết tâm. Những nhân viên làm việc với tư duy làm chủ này giúp cho công ty thành công. Nhưng có những người có tư duy tá điền, tự thấy kiếm đồng lương mỗi tháng bằng việc chỉ làm những gì được cấp trên bảo đã là đủ. Và có lẽ họ làm việc đó rất tích cực. Nhưng công ty sẽ chẳng bao giờ thành công, và thái độ như thế ảnh hưởng không chỉ tới cuộc sống gia đình mà còn tới sự phát triển của quốc gia.

Liên hệ tới một câu chuyện khác tại chính Daewoo, ông nhớ lại: “Khoảng mười năm về trước, vào một ngày hè nóng nực, ngay sau khi lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu những dự án xây dựng quốc tế, tôi nhìn thấy một đoàn người rất dài đứng bên ngoài khi tôi xuất hiện. Tình hình lúc đó trông không hề thân thiện chút nào, và trên đường trở lại công ty, tôi nhận thấy hầu hết những người đó là phụ nữ, một số người thậm chí còn cõng theo cả trẻ con trên lưng. Tất cả mọi người đều mồ hôi đầm đìa dưới cái nóng mùa hè. Tôi hỏi có chuyện gì xảy ra, và tôi được báo lại rằng họ là người thân của những công nhânđang làm việc ở nước ngoài.

Tất cả những người thân này đang đứng dưới ánh nắng chói chang, nhưng những quanchức được giao nhiệm vụ dàn xếp với họ thì đang ngồi mát mẻ và thoải mái trong phòng điều hòa. Cảm thấy tội nghiệp cho những người phụ nữ và trẻ em dưới nắng ngoài kia, vì nói cho cùng họ cũng là thành viên của gia đình Daewoo, tôi bảo nhân viên văn phòng giải quyết mọi việc, và tôi nghiêm khắc phê bình nhân viên phụ trách văn phòng. Tôi hỏi giám đốc văn phòng liệu anh ta có thể ra ngoài và đứng dưới nắng chỉ năm phút không. Lý do bào chữa của anh ta là văn phòng quá nhỏ, không chứa nổi tất cả những người ngoài kia, nhưng tôi thấy điều đó là không thể chấp nhận được.”

Theo ông, trách nhiệm không có chỗ cho bao biện. Nếu anh chàng giám đốc đó nghĩ công ty như là của mình và nghĩ những người đứng ngoài kia trên thực tế là thành viên của công ty thì anh ta đã nghĩ ra được biện pháp gì đó. Không gì có thể bào chữa cho việc để nhiều người phải phơi mìnhdưới ánh nắng gay gắt lâu như vậy.

Một trong những điều tệ hại nhất trên thế giới là thờ ơ. Nếu các bạn chỉ toàn bao biện và không có ý thức sở hữu nói trên khi đó, các bạn dễ dàng rơi vào sự tầm thường và sự dửng dưng của một kẻ quan sát, một kẻ bàng quan. Tiếc thay, một số người đang nói đến xu hướng này như là “thời đại của những kẻ bàng quan.” Một người chủ, giống như người nông dân, không chỉ đứng nhìn – ông ấy phải hành động.

Cho nên tất cả người trẻ nào cũng nên phát triển tư duy làm chủ này. Hãy trở thành người nông dân chứ không phải tá điền. Các bạn phải nghĩ rằng mình là người duy nhất có thể làm công việc của mình, rằng các bạn rất cần cho công việc của mình. Có như vậy, các bạn mới trở nên hạnh phúc và đồng thời cải thiện được năng lực của mình. Nếu không làm được như vậy, các bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc và năng lực của các bạn sẽ không thể tăng lên.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close