CEO Thế giớiNhân vật

Quan hệ nhiều “duyên nợ” với Trung Quốc của ứng viên vào ghế Ngoại trưởng Mỹ

Người được ông Donald Trump lựa chọn cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã có nhiều năm làm việc với những công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc.

Với tư cách là CEO của Exxon Mobil từ năm 2006, ông Rex Tillerson là người đã đưa công ty ký kết dự án khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông, điều từng làm Trung Quốc phật ý.

Theo WikiLeaks, Exxon từng được cấp quyền liên doanh khai thác gần 5,7 triệu hecta ngoài khơi Việt Nam vào năm 2009, chồng lấn với diện tích mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Do đó, phương sách tiếp cận vấn đề Biển Đông của ông Tillerson đang thu hút sự quan tâm.

Bloomberg đánh giá vấn đề Biển Đông vừa là nguy cơ, nhưng cũng là cơ hội đối với mối quan hệ Mỹ – Trung nếu ông Rex Tillerson thực sự được bổ nhiệm.

Từng làm việc với các công ty quốc doanh và quan chức Trung Quốc hơn một thập kỷ, ông Tillerson có thể mang một làn gió mới vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực có liên quan đến Bắc Kinh.

Theo ông Ian Bremmer, Giám đốc tổ chức Eurasia Group chuyên tư vấn rủi ro chính trị của Mỹ, ông Tillerson sẽ phải cực kỳ thận trọng trong việc đàm phán liên quan đến Exxon Mobil.

“Dư luận sẽ ‘soi’ rất kỹ điều này. Quan hệ Mỹ – Trung là vấn đề cần được giám sát trong vài tháng đầu ông nhậm chức”, ông Bremmer nói.

Không riêng ông Tillerson, bất cứ ai đảm nhiệm vị trí này cũng phải đối mặt với môi trường ngoại giao chính trị ẩn chứa biến động đột ngột.

Cuộc gọi lịch sử giữa Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan đầu tháng này và những dòng tweet phản pháo của ông trên mạng cá nhân đã làm căng thẳng quan hệ song phương.

Đáp lại, Trung Quốc đã điều máy bay ném bom bay trên Biển Đông và gọi đó là “hoạt động bay thông thường”.

Dưới thời chính quyền ông Barack Obama, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện tại vùng biển Tây Thái Bình Dương và khởi động trở lại hoạt động “tự do hành hải” trên Biển Đông. Điều này đã khiến Trung Quốc, một nước có các tuyên bố chủ quyền đơn phương trong khu vực, bực bội.

Bắc Kinh đã tiến hành hoạt động cải tạo xây dựng quy mô lớn trên các rạn san hô trong những năm gần đây để bành trướng quy mô quân sự.

Ông Tillerson hiếm khi nhận xét trực tiếp về vấn đề Biển Đông nói riêng và Trung Quốc nói chung.

Công ty của ông vẫn duy trì hoạt động thăm dò khai thác với Việt Nam, bất chấp Trung Quốc có các động thái gây sức ép cho Việt Nam về mặt chủ quyền lãnh thổ.

Theo tin của WikiLeaks công bố, Trung Quốc từng nhiều lần đánh tiếng cảnh báo Exxon về hoạt động của mình.

Theo RFI, năm 2008, Bắc Kinh từng khuyên Exxon Mobil từ bỏ hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam tại hai lô 135 và 136 trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam ở Biển Đông, vì nó “vi phạm chủ quyền Trung Quốc”.

Không dừng lại ở đó, đến tháng 10/2011, Bắc Kinh tiếp tục bóng gió đe nẹt các tập đoàn dầu khí ngoại quốc đang hoạt động trên Biển Đông. Tín hiệu được phát đi đúng một tuần sau khi Exxon Mobil thông báo đã tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Đà Nẵng, sau mũi khoan thứ hai tại một trong ba lô đã được Việt Nam cấp phép thăm dò dầu khí từ năm 2008.

Tuy nhiên, ông Tillerson đã nhiều lần đến thăm Trung Quốc và tiếp xúc với các quan chức lãnh đạo công ty dầu khí nhà nước. Giữa năm nay, ông đã gặp Wang Yilin – Chủ tịch Công ty China National Petroleum Corp (NCPC). Trang web của CNPC đăng ảnh hai bên bắt tay và mỉm cười.

Người phát ngôn của Exxon từ chối bình luận về thông tin Trung Quốc cảnh báo việc Exxon khai thác trong khu vực xảy ra tranh chấp chủ quyền, vì đây là “vấn đề mà chính phủ phải xử lý thống qua các kênh hợp lý”.

“Ông ấy thực tế, quyết đoán, có tiếng tăm tốt trong ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc”, ông Lin Boqiang, Giám đốc trung tâm nghiên cứu năng lượng và kinh tế tại Đại học Hạ Môn, miêu tả.

Ông Fu Mengzi, Phó chủ tịch viện Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc của Mỹ, cho rằng cặp đôi “Trump-Tillerson” sẽ chuyển chính sách “ngoại giao an ninh” từ thời ông Obama thành “ngoại giao kinh tế”.

“Đây là loại hình ngoại giao tin tưởng vào lợi ích kinh doanh song phương và bình đẳng trong thương mại, điều có lợi Trung Quốc,” ông Fu nói.

Exxon đã làm ăn tại Trung Quốc hơn một thế kỷ. Công ty tiền thân của Exxon là Standard Oil bán dầu kerosene tại đây vào những năm 1890. Đây là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên “nhảy vào” khi Trung Quốc mở cửa đón đầu tư nước ngoài vào cuối thập kỷ 70.

Hiện Exxon chỉ hoạt động hạn chế tại Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Công ty đầu tư vào một số doanh nghiệp hóa chất ở các tỉnh.

Ông Philip Andrews-Speed – một chuyên gia an ninh năng lượng tại học viện Nghiên cứu năng lượng Singapore – cho rằng sự hiện của Exxon ở Trung Quốc không chiến lược, nhưng ông Tillerson cũng sẽ không xem nhẹ quan hệ với Trung Quốc. “Đây sẽ là lựa chọn phản tác dụng”, ông nói.

THẢO MAI

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close