Kinh doanh quốc tếThị trường

Chứng khoán Mỹ hậu bầu cử: Biến động, song chỉ là tức thời!

Rất khó để đưa ra dự báo chính xác về diễn biến TTCK Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11 tới. Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy, có những tương quan thú vị giữa TTCK và các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong vài thập kỷ qua. 

Hai giáo sư kinh tế Alan Blinder và Mark Watson tại Đại học Princeton mới đây đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá diện mạo kinh tế và TTCK Mỹ sau khi các cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Harry Truman năm 1945.

Một điểm chung dễ thấy nhất là thị trường dường như phản ứng tích cực hơn khi một ứng viên của Đảng Cộng hòa thắng cử. Chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng trung bình 0,15% trong 4 giai đoạn chính trường Mỹ chuyển giao từ phe Dân chủ sang Cộng hòa, trong khi S&P 500 lại mất trung bình tới 1,38% ở chiều ngược lại.

Đáng chú ý, trong giai đoạn gần đây nhất, tức là dưới thời Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên, TTCK Mỹ giảm điểm chủ yếu do lúc đó nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng toàn diện, chứ không phải vì người dân Mỹ mất lòng tin vào ông Obama.

Một Tổng thống của Đảng Cộng hòa thường đem lại nhân tố tích cực hơn cho TTCK xuất phát từ quan niệm họ có xu hướng thúc đẩy các chính sách hỗ trợ kinh doanh nhiều hơn, như giảm thuế và nới lỏng quy định kinh tế. Tuy nhiên, hai giáo sư Blinder và Watson  lưu ý rằng, TTCK nói chung vẫn có diện mạo tốt hơn dưới thời các Tổng thống của Đảng Dân chủ.

Nếu ông Trump giành chiến thắng, S&P 500 có thể giảm tới 7%, trong khi nếu bà Clinton thắng, chỉ số này có thể tăng 4%.

Trên thực tế, các nhà phân tích của S&P Capital IQ đã có những đánh giá về lợi nhuận trung bình hàng năm của S&P 500 dưới thời các Tổng thống Mỹ từ năm 1945 và nhận thấy rằng, mức tăng lợi nhuận doanh nghiệp trung bình dưới thời Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ là 9,7%; trong khi dưới thời Tổng thống Đảng Cộng hòa là 6,7%.

Thậm chí, lợi nhuận thị trường còn ở mức âm dưới thời hai tổng thống của Đảng Cộng hòa là Richard Nixon, ông chủ Nhà Trắng trong suốt giai đoạn cấm vận dầu mỏ Ả Rập, và George W. Bush, người từng kết thúc nhiệm kỳ năm 2008 với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng.

Nhìn rộng hơn, Nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, John Higgins cho rằng, màn trình diễn tích cực hay tiêu cực trên TTCK trong năm 2015 và hậu bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ gắn liền với thể trạng thực sự của nền kinh tế. Cụ thể, diện mạo yếu kém của S&P 500 trong năm sau mỗi cuộc bầu cử tổng thống kéo dài từ năm 1968 đến 1980 có liên quan rất lớn tới tình trạng suy yếu của kinh tế Mỹ, hơn là có mối liên quan trực tiếp tới hệ thống chính trị.

Với trường hợp của Tổng thống Obama cũng vậy, ông trở thành ông chủ Nhà Trắng sau khi TTCK Mỹ mất tới gần 40% giá trị. Kể từ đó tới nay, chứng khoán Mỹ đã tăng tới 209% so với giai đoạn đáy hồi tháng 3/2009. Vậy điều này có ý nghĩa thế nào đối với ngày 9/11 tới?

Ngân hàng đầu tư Credit Suissse đã thực hiện một đánh giá các sự kiện bất ổn địa chính trị lớn trong 100 năm qua và nhận thấy, TTCK luôn có xu hướng phục hồi sau các cú sốc này, chẳng hạn như các sự kiện khủng bố 11/9 tại Mỹ, cuộc chiến tại Iraq hay căng thẳng tại Ukraine… Vì thế, một nhà đầu tư giỏi là người biết “bắt đáy” khủng hoảng và thực hiện các điều chỉnh mua vào khi phù hợp.

Một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận là thị trường “không thích” sự bất ổn. Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton được dự báo sẽ tiếp tục theo đuổi phần lớn những chính sách của Chính phủ tiền nhiệm. Trong khi đó, ứng cử viên Donald Trump thì ngược lại, là người khó dự đoán hơn và không phải lúc nào cũng theo đuổi phong cách “chính thống” trong hoạt động chính trị. Ông hứa sẽ cắt giảm thuế mạnh tay nếu trúng cử và chống lại các hiệp định thương mại. Điều này vô hình chung được coi là một “rủi ro chính trị” trên thị trường.

Công ty phân tích và dự báo thị trường Macroeconomic Advisers cho rằng, nếu ông Trump giành chiến thắng, S&P 500 có thể giảm tới 7%, trong khi nếu bà Clinton thắng, chỉ số này có thể tăng 4%. Một điểm đáng chú ý khác mà giới phân tích đánh giá là những diễn biến trên thị trường giai đoạn hậu bầu cử. Nếu một cú sốc chính trị xảy ra, tâm lý chung của giới giao dịch và các nhà đầu tư là sự lo lắng. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng, tác động của các sự kiện này không kéo dài.

Tất nhiên, tâm lý nhà đầu tư sẽ có tác động tức thời tới thị trường sau cuộc bầu cử ngày 9/11 tới. Và các chính sách của tân Tổng thống Mỹ sẽ có những tác động kinh tế, kéo theo tác động tới TTCK. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số nhân tố khác cần cân nhắc và theo dõi như diễn biến thị trường dầu mỏ hay chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)/ĐTCK

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close