Kinh doanh quốc tếThế giới
Tự do kinh tế – lối thoát cuối cùng của Hong Kong
Sau khi trở thành nhượng địa của Anh, Hong Kong phát triển thành một cửa ngõ quan trọng giữa Trung Quốc và thế giới. Hai thập kỷ sau khi được trao trả cho Trung Quốc, cửa ngõ này đang trở nên không cần thiết nữa, ít nhất là theo quan điểm của Bắc Kinh.
Sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc đã đặt ra những vấn đề không mấy dễ chịu về vận mệnh của “viên ngọc phương Đông” này.
Ảnh hưởng từ đại lục
Năm 1842, Hong Kong chính thức trở thành nhượng địa Anh sau cuộc chiến tranh nha phiến. Nơi này trở thành điểm đến của người tị nạn từ đất liền trốn tránh các cuộc nội chiến dẫn đến. Những người tị nạn trở thành nguồn lao động có giá trị. Ngược lại, Hong Kong đã trở thành một nơi mà Trung Quốc đại lục có thể mua được hàng hóa cần thiết để phát triển kinh tế.
Năm 1997, vào thời điểm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, GDP của hòn đảo này chiếm 18% tổng sản lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, năm ngoái, con số này chỉ còn dưới 3% – cho thấy vị thế mới của Hong Kong tại Trung Quốc. Những công ty toàn cầu ngày càng có xu hướng vượt qua ranh giới của đặc khu kinh tế để “cập bến” đại lục.
Khoảng 86,4 tỷ USD được đổ vào Hong Kong trong 2015, theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản. Nhưng cùng năm đó, số tiền đầu tư từ đại lục còn cao hơn, đạt 89,8 triệu USD. Trong hai năm liền, Hong Kong đã trở thành thị trường hàng đầu thế giới về việc IPO, với tổng cộng 24,5 tỷ USD được đưa ra vào 2016, theo Dealogic – công ty nghiên cứu ở London.
Tuy nhiên, sức mạnh của nó ngày càng phụ thuộc vào các công ty đại lục bởi họ chiếm tới 63% vốn thị trường chứng khoán, so với 30% thuộc sở hữu các công ty Hong Kong. Các định chế tài chính ở đại lục nhằm giành quyền kiểm soát quận Central – trung tâm tài chính tại Hong Kong – đã đẩy mạnh cấp vốn đầu tư vào cổ phiếu ở hòn đảo này.
Các công ty Trung Quốc chiếm 52% diện tích văn phòng tại Central, theo công ty dịch vụ bất động sản JLL của Mỹ. Do đó, giá thuê bất động sản tại Central tăng 1,5 lần so với New York hay London. Bộ mặt của Central đã thay đổi rất nhiều, đến mức truyền thông Hong Kong miêu tả rằng đại lục đã “nhuộm đỏ” nơi đây.
Cuộc đấu tranh của Cathay Pacific Airways – hãng hàng không biểu tượng của Hương Cảng, là một ví dụ. Hãng vận tải này đã rơi vào mức báo động đỏ lần đầu tiên trong 8 năm qua.
Hãng hàng không này không thể theo đuổi được sự cạnh tranh về giá khốc liệt khi các hãng hàng không Trung Quốc đang chuyển hướng khai thác các đường bay quốc tế. “Hội nhập sâu hơn với Trung Quốc mang lại cơ hội to lớn cho Hong Kong nhưng cũng gia tăng cạnh tranh, đồng thời làm đậm hơn sự phụ thuộc kinh tế của hòn đảo” – Christopher Lee – nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings cho biết.
Vai trò trung tâm hàng hải của Hương Cảng cũng đã lung lay. Năm 2004, hòn đảo là cảng số I thế giới tính theo lưu lượng container. Ngày nay, nhiều con tàu đang hướng thẳng đến các cảng của Trung Quốc, như Thâm Quyến, Quảng Châu, và đẩy Hong Kong xuống vị trí thứ 5.
Đổng Kiến Hoa – đặc khu trưởng đầu tiên của Hong Kong, có cha là nhà sáng lập công ty vận chuyển Orient Overseas Container Line dính tin đồn công ty bị China Cosco Shipping thâu tóm. Dù bác bỏ thông tin này, nhưng tại một diễn đàn ở Thâm Quyến hồi tháng 6/2017, ông Đổng nhấn mạnh: “Hong Kong cần hấp thu động lực và sức sống từ đại lục”.
“Pháo đài cuối cùng”
Sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh diễn ra đồng thời với sự giảm dần vai trò của Hong Kong trong nền kinh tế của nước này, đặt ra những câu hỏi như liệu cái gọi là “một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh từng thừa nhận để đảm bảo quyền tự chủ cao của Hong Kong có mất đi? Sẽ không còn một đặc khu kinh tế, thay vào đó Hong Kong chỉ đơn thuần là một thành phố lớn thuộc Trung Quốc?
Trung Quốc vẫn đang duy trì các quy định khó khăn về giao dịch qua biên giới, trong khi các quy tắc về giao dịch chứng khoán vẫn không rõ ràng, không phù hợp với luật quốc tế. Điều này giải thích vì sao nguồn vốn nước ngoài lại đổ về Hong Kong – nơi các thông lệ quốc tế được tôn trọng thay vì chảy về đại lục. Thế nhưng, Chính phủ Trung Quốc đang dần dần tự do hóa các giao dịch vốn. Hãng tin Nikkei dẫn lời một giám đốc tài chính châu Âu rằng: “Trong 10 năm tới, bất kỳ giao dịch nào làm được ở Hong Kong cũng sẽ làm được ở Thượng Hải”.
Từ năm 1967, Bắc Kinh đã có tầm nhìn xa trong việc tận dụng Hong Kong để tạo lợi thế kinh tế, cho phép thành phố này tự do phát triển. Lập trường của Bắc Kinh đã không thay đổi, thậm chí cho đến khi xảy ra cuộc chuyển giao quyền lực năm 1997. Thế nhưng, mọi việc đã khác kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc năm 2012.
Chính quyền của ông Tập không ngần ngại vượt qua giới hạn nguyên tắc “Một quốc gia – hai chế độ” để tăng cường kiểm soát nội bộ, tăng sức ép kinh tế. “Bắc Kinh đang gây sức ép lên nhượng địa cũ của Anh và muốn nói với người dân ở đây rằng, đã đến lúc họ cần ý thức về quốc tịch thực sự của mình”, tờ Nikkei bình luận.
Tự do kinh tế tại Hong Kong là điểm phân biệt đặc khu này với phần còn lại của Trung Quốc. Vì vậy, bảo vệ hệ thống tư pháp của Hong Kong chính là bảo vệ pháo đài cuối cùng chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh. Việc có duy trì được một thị trường minh bạch hay không có lẽ sẽ giúp Hồng Kông trả lời những câu hỏi về vận mệnh của chính mình.