Kinh tế vĩ môThời sự
Vì sao 2017 được xem là năm bùng nổ của tín dụng tiêu dùng?
Theo BVSC, tín dụng tiêu dùng mặc dù chiếm tỷ trọng còn nhỏ (trên dưới 10%) nhưng lại đang có tốc độ tăng trưởng rất cao (59% so với cuối năm 2016).
Trong một báo cáo nhanh ngày 25/12 mới đây, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) có nhắc đến điểm nhấn về tín dụng năm 2017. Theo đó, tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm nay đạt 15,3%, xấp xỉ mức tăng của cùng kỳ năm trước. Đồng thời cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế tiếp tục có chuyển biến đáng chú ý. Cho vay lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 8,1%; cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,8% (năm 2016 là 7%); cho vay lĩnh vực xây dựng chiếm khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%).
Riêng mảng tín dụng tiêu dùng mặc dù chiếm tỷ trọng còn nhỏ (trên dưới 10%) nhưng lại đang có tốc độ tăng trưởng rất cao (59% so với cuối năm 2016). Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.
BVSC đánh giá việc tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh là tín hiệu tích cực về cầu tiêu dùng hộ gia đình nhưng mặt khác đây là lĩnh vực cho vay khá rủi ro đối với các ngân hàng nên vẫn cần sự theo dõi sát sao của NHNN.
Sở dĩ mảng tín dụng này có được sự bứt phá mạnh mẽ như vậy sự thay đổi trong tư duy bán lẻ của ngành. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, quy mô thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam ước tính khoảng hơn 27 tỷ USD với khoảng hơn 30 triệu khách hàng tiềm năng trong phân khúc thu nhập 3-7 triệu đồng/tháng. Phân khúc thị trường này chứa đựng nhiều rủi ro và đòi hỏi các lãnh đạo phải vượt rào cản tư duy rủi ro của ngân hàng truyền thống, chấp nhận tỷ lệ nợ xấu cao.
Hiện những ngân hàng thương mại cổ phần nhanh nhạy trong việc thay đổi tư duy bán lẻ để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng đã bắt đầu nhận quả ngọt. Ví dụ như Vpbank hiện là ngân hàng có thị phần tài chính tiêu dùng duy trì vị thế dẫn đầu với 48% thị phần và FE Credit được xem là con gà đẻ trứng vàng của ngân hàng này.
Một nguyên nhân khác giải thích cho sự bứt phá của tín dụng tiêu dùng bởi mô hình này được xem là FMCG (tiêu dùng nhanh) của ngành ngân hàng. Theo đó đây là nơi các sản phẩm vay được cấu trúc tối giản, khách hàng chỉ cần cung cấp những thông tin giấy tờ tùy thân cơ bản và việc thẩm định cũng được thực hiện theo quy trình nhanh gọn, đơn giản, và thuận tiện. Hệ thống phân phối là điểm mấu chốt để mở rộng độ phủ và khả năng tiếp cận với khách hàng thông qua mô hình kinh doanh không trụ sở.
Nguyên nhân cuối được cho đến từ vai trò của công nghệ. Tài chính tiêu dùng lấy số lượng bù đắp chất lượng nên mọi vấn đề vận hành đều liên quan đến số lớn. Để giải quyết hàng nghìn hồ sơ mỗi ngày mà không có hệ thống trụ sở kinh doanh trực tiếp, nền tảng công nghệ và quy trình vận hành phải đáp ứng được yêu cầu nhanh, đơn giản và thuận tiện. Hệ thống công nghệ sẽ giúp các công ty tài chính chủ động tiếp cận được khách hàng theo hình thức khách hàng chủ động hơn là bị động thu hút khách hàng.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế