Kinh tế vĩ môThời sự

Bộ trưởng Công thương lý giải vì sao công nghiệp ô tô “lỡ hẹn”

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết,  các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô của chúng ta mặc dù về mục tiêu và ý nghĩa của nó đều đúng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện lại chưa dành được sự quan tâm đến các nguồn lực hỗ trợ các chính sách để đảm bảo hiệu quả của các chính sách đó.

Công nghiệp ô tô lỡ hẹn vì sao?

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 14, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh chiến lược phát triển ngành ô tô của Việt Nam.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đặt câu hỏi liệu công nghiệp ô tô của Việt Nam có đạt được các mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa, giá bán xe có hợp lý không?

Đáp lời đại biểu, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận giai đoạn vừa qua Việt Nam chưa đạt được mục tiêu cả về tham gia trong chuỗi cung ứng thị trường thế giới cũng như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm trong nước.

Đánh giá về nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô “lỡ hẹn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng chủ yếu là do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất là do dung lượng thị trường Việt Nam vốn đã nhỏ, chúng ta lại không có chủ trương để tạo ưu tiên, điều kiện để cho các tập đoàn đầu tư có tiềm lực, có sức lan tỏa để hình thành chuỗi sản phẩm trong nước tham gia mà có nhiều các nhà đầu tư.

Thứ hai, các chính sách của chúng ta mặc dù về mục tiêu và ý nghĩa của nó đều đúng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện lại chưa dành được sự quan tâm đến các nguồn lực hỗ trợ các chính sách để đảm bảo hiệu quả của các chính sách đó.

“Chính điều này dẫn đến việc chưa có sự liên kết và hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ và các nhà sản xuất có tính vệ tinh để liên kết với các doanh nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam. Vì vậy, hạn chế hiệu quả của các ngành sản xuất trong nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nêu.

Thứ ba là vấn đề chuyển giao công nghệ và tham gia của các doanh nghiệp ô tô lớn trên thế giới tại Việt Nam không đảm bảo và chưa có những cơ chế chính sách để chúng ta thực hiện được phần chuyển giao công nghệ.

Làm gì khi dỡ bỏ thuế nhập khẩu ô tô?

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, đến năm 2018 Việt Nam sẽ thực hiện việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan nhập khẩu ô tô Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta đang tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh lại chiến lược công nghiệp ô tô để thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2018 và các năm tiếp theo với mong muốn đảm bảo có giá trị gia tăng trong các lĩnh vực này.

Người đứng đầu Bộ Công thương cũng phân tích về những tiềm năng phát triển ngành ô tô của Việt Nam trong thời gian tới.

Dự báo đến năm 2021, Việt Nam sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD/người cùng với quy mô dân số 100 triệu dân. Ông Trần Tuấn Anh cho rằng đây là một thị trường rất tiềm năng cho ngành công nghiệp ô tô.

Theo Bộ trưởng Công thương, để đạt được mục tiêu đề ra, sắp tới sẽ cố gắng tập trung ưu tiên bằng các chính sách, cơ chế thuế phù hợp và ưu đãi để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn với những dự án có quy mô, tạo ra hiệu quả và sức lan tỏa. Trong đó tập trung vào dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, xe tải, xe khách và tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đặc biệt các chính sách về thuế cũng như chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng, về cơ sở giao thông cũng như khuyến khích phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, theo ông Trần Tuấn Anh, cũng sẽ được chú trọng.

Trước câu hỏi của đại biểu về vấn đề giá xe tại Việt Nam, Bộ trưởng Công thương cho biết xin được miễn bình luận sâu, vì nó còn liên quan đến hình thức thuế đánh vào các mặt hàng ô tô nhập khẩu cũng như ô tô phục vụ tại thị trường Việt Nam và phục vụ những nhu cầu tổng thể của nền kinh tế.

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Trường Giang về việc có hay không hiện tượng chuyển giá trong nhập khẩu phụ tùng xe lắp ráp trong nước, Bộ trưởng Công thương cho biết chưa nắm được thông tin cụ thể.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, trong quá trình kiểm tra, thực hiện các chiến lược công nghiệp ô tô Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh hiện tượng trục lợi cũng như gian lận trong hoạt động thương mại và sản xuất tại Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 chúng ta sẽ đạt được quy mô, sản xuất chế tạo trong nước phải chiếm từ 30-40% dòng xe dưới 9 chỗ ngồi.
Tương tự như vậy, các dòng xe tải chúng ta sẽ đạt được 30-40% tỷ lệ nội địa hóa cũng như xe tải, xe chuyên dụng đạt được 25-35%, đến năm 2025 chúng ta đạt mức 40-50% các dòng xe này.

N.MẠNH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close