Thời sựTiêu dùng

Đào tạo ngoại ngữ: Đừng “thí điểm” nữa!

Chính sách đào tạo ngoại ngữ phải chú trọng tới “kỹ năng làm việc toàn cầu” của lao động Việt Nam.

Thời điểm năm 2010, Intel khánh thành nhà máy 1 tỉ USD tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Bộ phận nhân sự của nhà máy đăng tuyển rất nhiều nhân sự nhưng rất ít người đạt yêu cầu. Con số này gây bất ngờ vì nguồn nhân lực kỹ thuật viên, kỹ sư điện tử tin học được đào tạo khá nhiều trong các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam. Nhưng theo đánh giá từ Intel, “sinh viên ngành kỹ thuật mới ra trường của Việt Nam đa số chưa có khả năng sẵn sàng làm việc do chưa đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, các kỹ năng mềm cũng như ngoại ngữ cũng là một trong những trở ngại ban đầu”. Nói về vấn đề này, đại diện của Intel Products Việt Nam, từng cho biết: “Điều kiện cần cho một lao động đủ kỹ năng làm việc toàn cầu, trong đó không thể thiếu công cụ là tiếng Anh. Để làm được việc, phải hiểu nhau, ngoài ra còn phải có khả năng thuyết trình để giải trình những ý tưởng, đưa ra những đề xuất để cấp trên xem xét phê duyệt”.

Vì sao tiếng Anh của sinh viên Việt Nam kém như vậy? Ai cũng biết, trong thời gian dài, Anh ngữ không được chú ý nhiều trong hệ thống giáo dục quốc gia, bởi những người làm chính sách đào tạo không ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ. Hậu quả là Việt Nam với gần 100 triệu dân, mỗi năm có hơn 1 triệu học sinh vào đại học nhưng số sinh viên nói được tiếng Anh chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Chứng chỉ TOEIC 450 là một trong những yêu cầu tốt nghiệp bắt buộc tại nhiều trường cao đẳng, đại học hiện nay. Nhưng thực tế như Intel đã phải trải qua, rất ít sinh viên đại học ra trường đủ kỹ năng tiếng Anh để làm việc cho công ty nước ngoài.

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” hướng tới mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đề án đã ngốn một khoản kinh phí khổng lồ trong giai đoạn 1 (đề án có tổng kinh phí 10.000 tỉ đồng) nhưng sau 3 năm triển khai (2011-2013) vẫn có tới 90% giáo viên trung học phổ thông chưa đạt chuẩn, học sinh, sinh viên thì tiếng Anh vẫn kém. Dư luận đang lo lắng tình trạng này sẽ tái diễn ở giai đoạn 2 (2016-2020).

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của ngoại ngữ và giáo dục ngoại ngữ càng được nhấn mạnh và sự phát triển của nó được phản ảnh rõ nét trong chính sách giáo dục. Nói về hiệu quả của lựa chọn ngoại ngữ trong giáo dục có thể nhắc đến Singapore. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thực hiện cuộc cải cách kỳ diệu, biến Singapore từ một hòn đảo nhỏ, trở thành một nền kinh tế hiện đại và thành công. Xác định giáo dục là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, ông ban hành hàng loạt chính sách giáo dục, trong đó có sử dụng tiếng Anh bắt buộc trong trường học. Ông Lý thời điểm đó nhận thức rõ rằng tiếng Anh là công cụ hữu ích giúp Singapore hội nhập quốc tế, công dân Singapore trở thành công dân toàn cầu.

Hiện nay, các nước nói tiếng Anh tốt như Philippines cũng có cơ hội của riêng mình. Theo bảng xếp hạng của Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) dựa trên kết quả thi TOEFL, Philippines xếp thứ 35 trong số 163 quốc gia trên thế giới về trình độ tiếng Anh. Sinh viên nước này không chỉ có thể giao tiếp tốt mà còn được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho môi trường công việc với tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Vì thế, Philippines trở thành trung tâm thuê ngoài gia công “outsourcing” hay tổng đài “call center” của cả thế giới.

Dao tao ngoai ngu: Dung
Mỗi năm có hơn 1 triệu học sinh Việt Nam vào đại học nhưng số sinh viên nói được tiếng Anh chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Ảnh: fortune.com

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác về đa dạng ngoại ngữ trong giáo dục. Đó là việc giúp cho người học có cơ hội được tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau, trở thành những con người có tư duy và tầm nhìn rộng mở. Bên cạnh đó, ngoại ngữ cũng gắn liền với sự phát triển trong quan hệ ngoại giao. Việc quá đề cao tiếng Anh mà coi nhẹ giáo dục các ngoại ngữ khác có thể dẫn tới những vấn đề giáo dục và xã hội, ảnh hưởng tới nền kinh tế cũng như quan hệ ngoại giao. Ngoài ra, các học giả Nhật hiện đã cảnh báo việc quá phụ thuộc vào tiếng Anh ảnh hưởng tới phát triển ngôn ngữ bản địa…

Việt Nam cũng có những “quan điểm khác” về ngoại ngữ khi gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thí điểm cho học sinh được chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: Anh, Tiếng, Pháp, Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. Đề xuất này nhận nhiều dư luận trái chiều, đặc biệt là nhận nhiều phản đối trước hết vì “tiếng Anh còn chưa tốt thì học tiếng khác làm gì”.

Nếu như quốc ngữ thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa và tinh thần tự chủ của một dân tộc thì ngoại ngữ lại là phương tiện không thể thiếu để một dân tộc hướng ra và hòa nhập với thế giới bên ngoài. Hơn 95% tài liệu khoa học, công nghệ, xã hội nhân văn của nhân loại được xuất bản bằng tiếng Anh thì nên để học sinh Việt Nam học tiếng Anh. Xét về hòa nhập quốc tế, rõ ràng tiếng Anh là một ưu thế không cần phải bàn cãi.

Nhưng có ý kiến ủng hộ học tiếng Trung vì đây là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, còn có lý do Việt Nam phải giao thương với nước láng giềng khổng lồ này, đồng thời cũng là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại chiếm đến 37,47% dân số thế giới với gần 2,63 tỉ người, tất nhiên ngôn ngữ của 2 quốc gia này “được nói nhiều nhất thế giới”. Nhưng xét về kinh tế và giao thương thì cần phải nhìn nhận lại. Bởi lẽ, GDP của Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2015 cộng lại chỉ chiếm 20,87% tổng GDP thế giới, tương đương 12.939 tỉ USD. Con số này chỉ nhỉnh hơn một chút so với khối kinh tế khu vực đồng euro với dân số chỉ có 338 triệu dân. Trong khi đó, kinh tế Mỹ hiện chiếm 28,95% GDP toàn cầu, tạo ra 17.947 tỉ USD năm 2015 dù dân số chỉ chiếm 4,52% dân số thế giới, khoảng 322 triệu dân. Nước Mỹ nắm giữ quyền lực tài chính của thế giới khi thu hút được các doanh nghiệp mạnh nhất khắp nơi trên thế giới tập trung tại đây, kể cả doanh nghiệp Trung Quốc.

Có thể thấy, thay vì tìm kiếm các ngoại ngữ mới, trước hết, việc có ích hơn là tìm cách đào tạo tiếng Anh hiệu quả hơn trong nhà trường. Đưa tiếng Nga, tiếng Trung hay bất cứ ngoại ngữ nào vào trường học đều phải tính toán đến cơ hội việc làm của các em học sinh khi ra trường, tính toán tới “kỹ năng làm việc toàn cầu” của lao động Việt Nam trong những thập niên tới.

Ngành giáo dục cần phải rõ ràng về chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học và chọn ngoại ngữ nào sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực kết nối, làm ăn với thế giới, học hỏi nhanh nhất những tiến bộ, văn minh của thế giới. Chính sách đào tạo ngoại ngữ phải thể hiện được chiến lược phát triển quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Học sinh không thể trở thành những công cụ để “thí điểm” về chính sách. Bởi vì, nếu thí điểm sai, không chỉ tước đi thời gian, công sức tiền bạc của nhiều gia đình, mà còn tước đi cơ hội, chất lượng hội nhập của nhiều thế hệ người lao động, của cả nền kinh tế.

Hà Cúc/NCĐT

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close