Với doanh nghiệp, ai cũng mong muốn một môi trường kinh doanh tốt, một sân chơi sòng phẳng, minh bạch. Với một doanh nhân, nên thấu hiểu sinh ra trong xã hội nào thì phải biết phục vụ, cảm ơn xã hội ấy. “Còn tôi chỉ ước trở thành người bình thường, thấu hiểu được giá trị của những điều bình thường – với tôi, đó là bí quyết sống” – Doanh nhân, TS Nguyễn Ðức Hưởng, Phó chủ tịch HÐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt nói về quan niệm cuộc đời.
Chính phủ tuyên bố đóng vai trò kiến tạo, đồng hành, phục vụ doanh nghiệp. Là một doanh nhân ông có cảm nhận gì, ví như đã có sự đổi mới nào trong cách ứng xử của Chính phủ với doanh nghiệp?
Chính phủ đã quan tâm đến doanh nghiệp. Ðã có đổi mới trong cách ứng xử của Chính phủ đối với doanh nghiệp! Cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhậm chức và những thông điệp rất thực lòng của Thủ tướng đã nói lên điều đó. Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, đồng hành.
Cảm nhận có lẽ không chỉ của riêng tôi mà nhiều doanh nghiệp khi nghe thông điệp – đó là sự khơi dậy niềm tin vào người đứng đầu. Nhưng vốn dĩ ở Việt Nam “con đường xa nhất là từ lời nói đến hành động”, khi các cấp ngành, từng con người cụ thể không dễ gì thực hiện ngay sự chỉ đạo điều hành của cấp trên. Vẫn còn những rào cản như “phép vua thua lệ làng”, chuyện với cấp trên thì “đơn giản hóa những vấn đề phức tạp”, còn cấp dưới lại “phức tạp hoá những vấn đề đơn giản”. Ðể thông điệp của Thủ tướng thực sự trở thành hành động cụ thể chắc chắn tư duy đổi mới phải quyết liệt. Mà muốn đổi mới tư duy phải bắt đầu từ con người, còn con người nào không chịu đổi mới tư duy thì phải… đổi người.
Làm kinh doanh theo ông, điều khó nhất với một doanh nhân là gì? (sự thay đổi cơ chế chính sách, hay môi trường kinh doanh). Nhiều doanh nhân từng ví von muốn tồn tại phải vật lộn vì thương trường là chiến trường?
Bất cứ một doanh nhân nào cũng đều mong muốn đi trên một môi trường kinh doanh tốt vì đó thực sự là một sân chơi sòng phẳng, minh bạch. Nhưng để có được điều đó, cần phải có phương tiện điều tiết cụ thể ở đây là cơ chế. Mà đặc thù của cơ chế Việt Nam là “sản xuất ra cơ chế cho nhà quản lý” chứ không phải cho nhà doanh nghiệp. Chính vì vậy mới tồn tại hàng loạt giấy phép con, hàng loạt văn bản hướng dẫn theo hướng phức tạp, xin cho, nhiều trung gian và không hiện đại hoá. Ðó cũng là lý do doanh nghiệp Việt Nam không thể ngồi nhà mà xin giấy phép trên mạng internet như doanh nhân ở các nước tiên tiến vẫn làm.
Có một quan niệm thế này: Những ông chủ Việt, dù lớn hay bé, đã đến lúc cần được xã hội trân trọng và tôn vinh, bởi đó là những người tạo công ăn việc làm, tạo ra của cải cho xã hội. Theo ông, doanh nhân đã thực sự được “tôn vinh” chưa ? Hình như vẫn còn những doanh nghiệp, doanh nhân bị bầm dập?
Riêng về lĩnh vực các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm, liên quan đến được tôn vinh chưa, thì phải nói thật ở Việt Nam chưa được coi trọng. Ðến giờ này, Việt Nam chưa có quy định theo kiểu một doanh nghiệp tạo công ăn việc làm, sử dụng bao nhiêu lao động thì được hưởng quyền lợi gì.
“Để thành công, cần xác định: Tất cả là tạm thời, chỉ có tình người là vĩnh cửu. Điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống là đi được bao nhiêu nơi, hiểu biết được điều gì mới, giúp được bao nhiêu người”.
TS Nguyễn Ðức Hưởng
Thời gian gần đây, thực ra đã bắt đầu ít nhiều có sự tôn vinh nhưng còn mang tính hình thức. Bên cạnh các sự kiện tôn vinh thực sự đã phát sinh ra hiện tượng trục lợi. Ðiều này có thể nhìn thấy trong các sự kiện tôn vinh doanh nghiệp, chủ yếu “ưu tiên” các doanh nghiệp có đăng ký quan tâm đến sự kiện đó và nộp bao nhiêu tiền cho nhà tổ chức sự kiện, thực chất đó là các cuộc PR rẻ tiền, rẻ giá trị.
Giới nhà băng rất khốc liệt về độ cạnh tranh, ông nghĩ gì về vị trí của các ngân hàng Việt Nam hiện nay?Nhìn vào lĩnh vực này thời gian vừa qua, có điều gì được, chưa được mà giới kinh doanh cần thay đổi?
Vị trí các ngân hàng Việt Nam trong nền kinh tế đất nước hiện nay đặc biệt quan trọng, ngân hàng hơn lúc nào hết giai đoạn này đang thực hiện vai trò bà đỡ cho các doanh nghiệp, bởi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh bằng vốn vay ngân hàng là chủ yếu. Bất luận ở góc độ nào, cũng dễ nhận ra tầm quan trọng của hệ thống ngân hàng nói chung và vai trò của các các ngân hàng thương mại nói riêng, đã góp phần to lớn trong hoạt động kinh tế xã hội của đất nước.
Thời gian qua, trong giới ông chủ nhà băng Việt Nam đã có nhiều vụ án dẫn đến tù tội; nguyên nhân chính xuất phát từ quan niệm “của Nhà nước, của tập thể, của dân lại tưởng… của nhà mình”. Những vấn đề chưa được trong hoạt động của những ngân hàng này xuất phát từ chính vấn đề nội hàm của nền kinh tế và cơ chế chính sách nói chung cũng như các NHTM nói riêng…
Ngân hàng Bưu Ðiện Liên Việt (LienVietPostBank) có triết lý “gắn xã hội trong kinh doanh”. Xin ông giải nghĩa quan điểm này của doanh nghiệp? Là doanh nhân, ông có hài lòng không về trách nhiệm và những gì mình đã làm cho xã hội. Phải làm gì để vừa giữ được tâm, chữ tín, chữ tầm?
Gắn xã hội trong kinh doanh là một triết lý quan trọng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; xuất phát từ quan niệm sinh ra trong xã hội nào thì phải biết phục vụ, cảm ơn xã hội ấy!
Tôi có may mắn là được đi nhiều và đã đặt chân đến tất cả những nơi nghèo nhất của 63 tỉnh thành phố trên cả nước; nhưng càng đi càng thấy sự bất cập của mấy chữ: tâm- tín- tài- tầm. Ðó là đất nước có quá nhiều vùng quê nghèo thậm chí đến bây giờ nhiều nơi vẫn còn không có điện, nước, có quá nhiều gia đình không có cơm ăn trong lúc giáp hạt, quá nhiều con em không được cắp sách đến trường và biết bao nhiêu các giáo viên vùng cao vẫn không có ngôi trường đàng hoàng để dạy con chữ; họ thậm chí cũng không có nơi ăn nghỉ đàng hoàng.
Nhưng ngược lại, phong trào ăn nhậu, rượu chè của cán bộ lãnh đạo cơ sở thì phát triển không ngừng; không ít nơi, sáng ngày ra cán bộ đã “súc miệng” buổi sáng bằng rượu; làm cán bộ nhưng không có khái niệm giao ban là gì ? Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn thử hỏi vì sao và đến bao giờ chúng ta mới thực sự xoá hết đói, giảm hết nghèo; đến bao giờ dân mới giàu, nước mới mạnh được.
Theo ông, doanh nhân có phải là người bình thường không? Trong cuộc sống, ông quan tâm đến điều gì?
Trở thành người bình thường, thật đơn giản. Thời tuổi trẻ tôi cũng từng nghĩ như vậy nhưng “quá nửa đời phiêu dạt” đi tìm “sơn hào, hải vị”, khi trưởng thành, quay về “úp mặt vào sông quê” mênh mông, bao dung như lòng mẹ, tôi mới nhận ra “sơn hào, hải vị chính là cơm canh, cá kho, rau muống, dưa cà” của mẹ, mới thấu hiểu được chữ “hiếu” với cha mẹ, thấm thía giá trị của những “điều bình thường”, những điều tưởng như ai cũng có, cũng biết nhưng thật ra ít tai hiểu hết. Giá như ngay từ đầu đời ta “ngộ” được điều này thì cuộc đời sẽ tăng phần ý nghĩa hơn nhiều. Trở thành người bình thường, thấu hiểu được giá trị của những điều bình thường; với tôi, đó là bí quyết sống.
Cảm ơn ông!