Kinh doanh quốc tếThị trường
“CNY còn lâu mới thành tiền tệ dự trữ toàn cầu”
Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Jack Lew nhận xét đồng nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) sẽ phải “mất một thời gian nữa” mới trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, dù sắp được đưa vào rổ tiền tệ của IMF.
Ngày 1/10, CNY sẽ chính thức có mặt trong danh sách các đồng tiền quy đổi của “quyền rút vốn đặc biệt” (SDR). Rổ tiền này hiện gồm USD, EUR, JPY và GBP.
Quyết định trên được đưa ra từ đầu tháng 12/2016, sau một cuộc họp của hơn 20 lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đây được xem là dấu mốc quan trọng cho nỗ lực của Trung Quốc để gây ảnh hưởng lên đời sống kinh tế thế giới, vốn được chi phối bởi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản suốt nhiều thập kỷ qua.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Jack Lew. Ảnh: Reuters |
Lew công nhận CNY đã có những thay đổi “to lớn” trong 10 năm qua, giúp tiền tệ này cởi mở hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc vẫn cần làm nhiều hơn nữa để cải tổ kinh tế.
“Dù tham gia SDR của IMF, CNY vẫn còn cách tiền tệ dự trữ toàn cầu khá xa”, ông cho biết trong một buổi nói chuyện với sinh viên tại Mexico City, “Khi tiếp xúc với các đồng ngiệp tại Trung Quốc, tôi thấy họ đã đề ra một chương trình cải tổ, giúp Trung Quốc đi đến đích. Tôi đã nhấn mạnh rằng họ cần thực hiện chương trình đó đi, thì mới có kết quả được”, Lew cho biết.
Khi được hỏi CNY vào rổ tiền tệ của IMF sẽ có tác động gì lên Mỹ, Lew cho biết việc USD được sử dụng rộng rãi trong vai trò tiền tệ dự trữ thế giới đã là một lợi thế của kinh tế Mỹ rồi, ngoài tính thanh khoản và thị trường trái phiếu Chính phủ.
Ra đời năm 1969, SDR là loại tiền tệ quy ước của IMF, được dùng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên, hoặc giữa các nước với nhau. Khi giải ngân, phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ, USD, EUR, JPY, và GBP và nay là CNY, để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên.