TPP được chính quyền Tổng thống Barack Obama đánh giá sẽ mang lại lợi ích kinh tế và chính trị cho người Mỹ. Tuy nhiên, hiệp định thương mại tự do này đang đứng trước khả năng “tiêu tan” sau bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong thời gian bận rộn đi vận động tranh cử giúp bà Hillary Clinton bên Đảng Dân chủ, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho ngày bỏ phiếu 8/11, Tổng thống Obama vẫn không quên nhắc lại nguyện vọng của chính mình về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP là một trong những vướng mắc cuối cùng của ông Obama trong thời gian ít ỏi còn lại trên ghế Tổng thống Mỹ, do Quốc hội nước này vẫn tiếp tục ngăn cản.
Khó trăm bề
Hôm 3/11, chính quyền Tổng thống Obama đưa ra cảnh báo mới về sự nguy hiểm nếu Quốc hội không thông qua TPP. Họ cho rằng Mỹ sẽ mất hàng triệu việc làm và mất luôn cả vị thế vào tay Trung Quốc nếu TPP tiếp tục trì trệ, theo Reuters.
TPP là hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của Mỹ và 11 nước khác gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Úc, Brunei và New Zealand. Nếu gia nhập thỏa thuận này, các nước sẽ được miễn giảm thuế hơn 90% mặt hàng, kèm theo đó là những quy tắc chung xung quanh vấn đề lao động – việc làm, đạo đức kinh doanh, môi trường…
Chính quyền của ông Obama đã thúc đẩy Quốc hội thông qua TPP, tuy nhiên, các nghị sĩ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đến nay đều không đồng tình. Nổi bật nhất trong một tuyên bố năm nay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan khẳng định sẽ không có chuyện thông qua TPP trong một cuộc bỏ phiếu ở giai đoạn chuyển tiếp, tức quãng thời gian sau ngày có kết quả bầu cử và tân tổng thống chính thức tuyên thệ nhậm chức (từ sau 8/11 tới trước ngày đầu năm 2017).
Ông Obama, người trong giai đoạn chuyển tiếp ấy tất nhiên muốn TPP càng được giải quyết nhanh càng tốt, trong thời gian hai tháng đương chức. Có điều sau phát biểu của ông Paul Ryan, ý định này dường như khó càng thêm khó.
Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ năm nay là Donald Trump và Hillary Clinton đều không ủng hộ TPP. Ông Trump theo đúng luận điểm của Đảng Cộng hòa phản đối TPP, nói rằng hiệp định này sẽ cướp đi việc làm của công dân Mỹ. Từng ủng hộ TPP, nhưng ứng viên Đảng Dân chủ Clinton gần đây nói rằng bà “không ủng hộ một số điều khoản TPP”.
Cản “giấc mơ Mỹ”
Một trong những tham vọng chính trị thể hiện rõ nhất trong TPP là chính sách “xoay trục” về phía châu Á của chính quyền Obama. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc là một đối trọng của TPP, và là đối thủ cạnh tranh sức ảnh hưởng lớn nhất của Mỹ trong các hiệp định có thành viên là các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong cảnh báo nêu ra tuần trước, chính quyền Obama nói thẳng rằng nếu Quốc hội nước này không hành động sớm, Mỹ sẽ “thua” Trung Quốc. Một nghiên cứu mới do Reuters dẫn ra ngày 3/11 cho thấy, các cố vấn trong Hội đồng Kinh tế của Nhà Trắng đánh giá cao hiệp định thương mại do Trung Quốc khởi xướng có tên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECAP hay RCEP).
Theo đó, họ khẳng định RECAP sẽ giúp hàng Trung Quốc giảm thuế quan vào Nhật Bản – đối tác thân cận của Mỹ, từ 5 – 10 điểm phần trăm. Điều này đồng nghĩa nếu không có TPP, các công ty Mỹ sẽ chịu thuế gấp đôi so với các đối thủ Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản.
Vấn đề là vào lúc này, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều có xu hướng sẽ suy nghĩ trước hết về quyền lợi của công dân nước mình, đặc biệt là cử tri ở tầng lớp trung lưu.
Phân tích trên Bloomberg tuần trước cho thấy, TPP có thể mang lại lợi thế về môi trường làm việc, thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng TPP sẽ chỉ phục vụ các công ty lớn ở Mỹ, trong lúc điều cử tri nhìn thấy trước mắt là lao động nước ngoài sẽ “cướp” công việc của họ.
Một ước tính của Viện Peterson cho thấy tăng trưởng toàn cầu từ TPP vào khoảng 295 tỷ USD, và 78 tỷ trong số đó sẽ về tay Mỹ, song “đó là một con số trừu tượng” so với đa phần cử tri, và họ “không cảm thấy tiền sẽ chảy về túi mình”.
Trung Quốc đang đàm phán RCEP với 16 nước châu Á, trong đó có bảy nước hiện cũng đàm phán TPP, bao gồm: Nhật Bản, Úc, New Zealand, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei. Đặc biệt các thị trường như Nhật, Việt Nam, Úc và Singapore ngoài thương mại cũng đóng góp đáng kể vào vấn đề chính trị.
Nói cách khác, TPP đang có vẻ “thoi thóp” cùng chính sách xoay trục châu Á của chính quyền Obama, và cử tri của họ cũng gần như phải lựa chọn giữa “giấc mơ Mỹ” (American dream) về một cuộc sống sung túc, tràn đầy cơ hội phát triển với một con tính xa hơn về vị thế của người Mỹ trên toàn cầu như một kẻ đặt ra luật chơi.