Bỏ lá phiếu vào thùng, Nguyễn Hoàng Quân vừa hồi hộp vừa tự hào vì tin rằng những lựa chọn của mình là đúng và sẽ góp phần đưa nước Mỹ đi lên.
Hoàng Quân, 25 tuổi, sang Mỹ định cư cùng mẹ năm 2010 và trở thành công dân nước này vào năm ngoái. Anh hiện sinh sống tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts và là sinh viên Học Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT).
Từ hôm 28/10, Quân đã sắp xếp thời gian để thực hiện quyền công dân của mình vì lo ngại vào ngày bầu cử chính thức 8/11, lượng người đi bầu lớn ảnh hưởng tới lịch học.
Cử tri thành phố Cambridge xếp hàng vào ngày đầu tiên mở cửa bầu cử sớm hôm 24/10. Ảnh: WBUR |
Lâu nay Quân và bạn bè đều ủng hộ việc bỏ phiếu bầu tổng thống trực tuyến hơn vì phương thức này giúp giảm thời gian chờ đợi cho cử tri và đỡ tốn kém ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước nguy cơ Mỹ có thể bị tấn công mạng, lại tò mò về quy trình bỏ phiếu và muốn được tận mắt thấy lá phiếu bầu tổng thống ra sao, Quân đã quyết định đi bỏ phiếu trực tiếp.
Thành phố Cambridge có 5 điểm bầu cử và Quân chọn trụ sở cảnh sát Cambridge gần nhà mình để bỏ phiếu.
“Mình vừa bước vào trong, anh cảnh sát đã chào hỏi và vui vẻ cảm ơn mình tham gia bỏ phiếu”, Quân kể. “Mình được dẫn vào phòng sinh hoạt kế bên, nơi có bàn giấy tờ và thùng phiếu cùng các nhân viên hướng dẫn. Tờ giấy để bầu cử dài gấp đôi tờ A4, được gấp lại làm 3, gồm khoảng 10 câu hỏi. Trong đó, câu đầu tiên tất nhiên là lựa chọn ứng viên nào cho nhiệm kỳ tổng thống sắp tới, những câu còn lại dành cho các ứng viên thống đốc và công chức của bang cùng 4 câu hỏi về việc đồng ý thông qua hay từ chối 4 chính sách mới của bang như mở sòng bài, trồng thuốc phiện cho mục đích y tế…”.
Sau khi vào trong một bốt tối, có mành che kín 4 hướng và tô đen vào các ô mà mình chọn, Quân gấp tờ phiếu lại bỏ vào một phong bì màu vàng và nhét nó vào thùng.
Nguyễn Hoàng Quân đi bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ tại trụ sở cảnh sát thành phố Cambridge, bang Massachusetts, hôm 28/10. Ảnh: NVCC |
Quân cho hay mỗi bang của Mỹ có một mẫu phiếu khác nhau và mỗi lần đi bầu cử, người dân không chỉ bầu tổng thống mà còn bầu cả đại diện bang vào hạ viện và các luật lệ trong bang. Do đó, sức mạnh lá phiếu của mỗi cử tri có ảnh hưởng đến mỗi bang nói riêng và cả nước nói chung.
“Khi biết đây là lần đầu mình đi bỏ phiếu, các cô hướng dẫn viên rất vui vẻ bảo mình đưa điện thoại để cô chụp giúp một bức ảnh làm kỷ niệm”, Quân kể thêm.
Nhớ lại cảm giác lúc đó hơn một tuần sau khi bỏ phiếu, Quân cho hay anh vừa hồi hộp vừa thấy thú vị.
“Mình rất tự hào vì lá phiếu của mình có tầm ảnh hưởng đến cả các chính sách vi mô và vĩ mô của quốc gia. Khi bỏ phiếu vào thùng rồi mình vẫn còn khá bồi hồi vì mình tin rằng những lựa chọn của bản thân là đúng và sẽ góp phần đưa đất nước đi lên”, Quân nói.
Ủng hộ Hillary Clinton
Quân tiết lộ anh bầu cho ứng viên tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân Chủ. Anh không dựa vào 3 cuộc tranh luận trực tiếp của bà Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump mà đưa ra quyết định sau khi tự tìm hiểu thông tin qua các phương tiện truyền thông từ cả hai chiều.
“Mình ủng hộ Hillary Clinton vì chính sách của bà đặc biệt chú trọng đến đầu tư phát triển giáo dục thay vì cắt ngân sách giáo dục để chi cho doanh nghiệp như ứng viên đảng Cộng Hòa”, anh giải thích.
Anh tin rằng hơn 80% cử tri, bao gồm cả người gốc Việt và gốc Á, ở Cambridge sẽ có lựa chọn như anh.
Theo Quân, cuộc bầu cử năm nay diễn ra gay cấn chưa từng có bởi cả hai ứng viên đều bị công kích dữ dội và dính líu tới nhiều bê bối. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của anh qua bạn bè và người thân ở nhiều bang và thành phố trên khắp nước Mỹ, cử tri của cả hai bên đều có lập trường vững vàng và không bị tác động nhiều bởi truyền thông, báo chí.
“Những người sáng suốt sẽ nhìn vào chính sách mà mỗi ứng viên đề ra và khả năng thực hiện của họ thay vì chỉ nghe hoặc chú tâm vào những bê bối, điểm tiêu cực của mỗi ứng viên”, Quân nói. “Có lẽ kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào số cử tri trung lập”.
Nếu bà Clinton đắc cử, Quân cho hay anh sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ vào cuối tuần cùng bạn bè để ăn mừng.
Anh Ngọc